DU LỊCH TRUNG QUỐC.
(Trích từ bút ký TrườngSơn-TrườngHận)
Nhân
tiện nói về du lịch, xin đề cập tới một kinh nghiệm bản thân, hy vọng
cũng sẽ giúp ích đươc cho nhiều người. Trong chuyến đi du lịch Trung
Quốc đó, ỷ là mình nghe và hiểu được tiếng Anh sơ sơ nên đâu có nhất
thiết là phải đi với Tour Guide nói tiếng Việt Nam . Đó là một lầm lẫn
vô cùng tai hại, tai hại tới mức vợ chồng tôi đã phải đi du lịch TQ một
lần nữa, với Tour Guide nói tiếng Việt. Lý do là vì các danh từ riêng về
người, về địa danh, dịch bằng tiếng Anh, hầu hết chúng ta sẽ không hiểu
gì. Thí dụ, The Ching, The Song, The Qing, The Tang... dynasty, rất
nhiều người trong chúng ta sẽ không thể biết đó là triều đại Nhà Thanh,
hay Nhà Tống, Nhà Đường...
Các địa danh Yangize, Jinjiang, Suzhou, Hangzhou... cũng thật khó mà
đoán đó là các thành phố nào, nhất là chỉ nghe nói thoáng qua, mặc dầu
đây là những tên rất quen thuộc, như Tô Châu, Hàn Châu. Nói gì tới các
bài thơ bài văn, các tên Tô Đông Pha, Tây Thi, Tào Tháo... Văn chương,
lịch sử của Ta và Tầu dính liền với nhau. Không hiểu được sẽ mất hết hào
hứng. Đi với Tour Guide nói tiếng Anh, thăm Hoàng Hạc Lâu, làm sao ta
có thể nghe:
“Hạc Vàng ai cỡi đi đâu,
Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ...”
Trong
chuyến đi Trung Quốc lần đầu đó, một hôm, khác với mọi bữa, xe vừa dừng
lại thì mọi người vội chạy ùa tới một mô đất to cao, cỏ mọc xanh tốt,
chung quanh có hàng rào rất đẹp, Tour Guide say sưa nói và mọi người đặc
biệt chăm chú lắng nghe. Thấy vậy, bà xã, vì có được học chữ Hán, nên
đã lanh trí chạy đi đọc tấm bảng chỉ dẫn rồi hớn hở bá cáo:
– Ngôi mộ Nhạc Phi.
Bấy nhiêu đủ rồi, tôi đã biết câu chuyện ly kỳ của vị quan thanh liêm này, nên nói ngay với bà xã:
– Vậy thì phải có cặp vợ chồng tên đại nịnh thần Tần Cối, bánh “giò cháo quẩy” nữa.
Nói
chưa dứt câu thì đã thấy mọi người ùa theo ông Tour guide tới một chỗ
có hàng rào sắt như nhà tù, bên trong là tượng hai vợ chồng Tần Cối đúc
bằng sắt, tay bị trói quặp ra sau lưng, đang cúi đầu chịu tội, giống hệt
cái bánh “giò cháo quẩy” mà ta thường thấy các tiêm ăn người Hoa chiên
xèo xèo trong vạc dầu sôi nóng bỏng.
Nếu mà không có bà xã đọc được cái tên Nhạc Phi thì khác gì như tôi đã đi coi một đống đất vậy.
Tuy nhiên, trong cái rủi thường có cái may.
Sau khi tham quan Thượng Hải xong, người Tour guide lớn tiếng hỏi mọi người trong xe:
– What does Shanghai mean, in English? (Shanghai, tiếng Anh nghĩa là gì?).
Cả
chuyến xe của tôi đầy nhóc toàn là người Hoa từ Đài Loan, Hồng Kông ,
Singapore ... thế mà hoàn toàn im lặng, không một ai biết. Cả xe ngơ
ngác, người nọ ngó người kia. Còn người Tour Guide thì hãnh diện và sung
sướng dần dần hiện rõ trên nét mặt. Nhưng chỉ sau mấy giây ngập ngừng
suy nghĩ, tôi đã giơ tay, nói lớn:
– Above the sea.
Người Tour Guide vừa ngơ ngác, vừa ngạc nhiên, chậm rãi nói với tôi:
– You must be very good in chinese character (chắc chắn ông phải là người rầt thông thạo chữ Hán).
Mọi
cặp mắt trên xe đều đổ dồn về phía tôi, nhiều người còn đứng lên để
nhìn cho rõ mặt người học giả Hán văn nữa. Chắc là nhiều người đang lẩm
bẩm:
– Thế mà cả tuần nay, nó cứ giả bộ nói toàn tiếng Anh.
Họ
càng có lý do để nghi ngờ tôi cũng là đồng bào của họ vì mấy bữa nay,
thỉnh thoảng gặp mấy người không biết tiếng Anh, bà xã đã phải xì là xì
lồ nói Tiều, nói Quảng hay Bắc Kinh bắc kiếc gì đó với họ nhiều lần.
Nhưng
lúc này thì cô bé cứ ngớ người ra, gần 40 năm chung sống và 9 năm bồ
bịch, — đúng ra là 31 năm chung sống thôi, vì phải trừ đi 5 năm đi tù
cải tạo và 4 năm bả đã đem con vượt biên trước rồi — suốt 40 năm, có
thấy ổng thông thạo Hán văn hồi nào đâu mà đòi chiết tự chiết tiếc. May
ra biết được mấy chữ “xe, pháo, mã...” trong bộ bài cờ tướng là cùng.
Tôi thấy tội nghiệp nên ghé vào tai nói nhỏ:
– Shanghai là Thượng Hải, Thượng là trên, là above, Hải là biển, là sea. Thượng Hải là Above the Sea.
Bà xã chắc cũng khoái chí nên lại cười cười như mọi khi:
– Cứ xào xạo... bắc kỳ lắm mồm...
Tôi thì cũng vẫn lì lợm như thường lệ, đẹp giai không bằng chai mặt mà:
– Không lắm mồm mà tán được em.
Mẩu
đối thoại này đã rất quen thuộc với vợ chồng tôi. Thường thì câu nói
của tôi lại gợi cho bả nhớ lại những thú đau thương của 9 năm tình lận
đận, nên bả thường trầm tư một hồi rồi cười cười, nói nho nhỏ:
– Tài thật, tài thật...
Không biết là bả khen ai tài, bả, hay tôi, hay là cả hai, nhưng thường thì tôi nhận vơ ngay:
– Chứ sao, too late rồi em ơi.
Thường
thường thì mẩu đối thoại sẽ là như vậy, nhưng bữa nay có lẽ cô bé sung
sướng hãnh diện thật, say sưa với niềm vui đang có mà quên nghĩ đến
chuyện ngày xưa.
Riêng
tôi thì rất tâm đắc chuyện này, có khi còn dám cả gan thầm nghĩ, biết
đâu ngày xưa Trạng Quỳnh đi sứ sang Tầu, cũng chả có lúc, đã nhờ may
mắn, rồi làm ngơ ngác cả triều đình Phương Bắc như mình hôm nay.
THAM QUAN T.Q. LẦN THỨ HAI.
Tour
Trung Quốc lần thứ hai thì kết thúc bằng chuyến xe lửa từ Quảng Châu
qua Thẩm Quyến rồi tới Hồng Kông. Khi mọi người đã an vị trên chiếc xe
tour, người nữ hướng dẫn viên Hồng Kông đã mở lời chào phái đoàn chúng
tôi như sau:
“Welcome back to the Civilization” (Chào mừng quí vị đã được trở về với thế giới Văn Minh).
Mọi
người trên xe đã hân hoan vỗ tay rất lớn và rất lâu để biểu đồng tình
với nhận xét dí dỏm và chính xác này. Nhiều lần tôi cũng đã có ý định
viết về những chuyện bên lề đó, nhưng lại sợ ... có người buồn. Bữa hôm
đó, người ta vỗ tay yếu xìu à. Với lại về thăm quê quán của ông già vợ
mà mình lắm mồm và bép xép nhiều quá thì đâu có còn là anh hùng hảo hớn
nữa. “Bất đáo trường thành, phi hảo
hán”,
Mao chủ tịch đã viết trên Vạn Lý Trường Thành như vậy, mà mình thì đã
hai lần leo lên Vạn Lý Trường Thành rồi, không là hảo hớn sao được.
Thôi để tôi kể hầu quí vị câu chuyên về ngôi mộ của Võ Tắc Thiên và Đường Thế Tôn vậy.
Ở
Trung Quốc thì có biết bao nhiêu là lăng tẩm danh tiếng, nhưng chỉ có
ngôi mộ này là đã gây ấn tượng cho tôi nhiều nhất. Bà Võ Tắc Thiên thì
cũng có rất nhiều giai thoại mà chắc quí vị đã thuộc nằm lòng, nhưng câu
chuyên về ngôi mộ của vợ chồng bà ta thì có lẽ nhiều vị chưa nghe, hay
ít ra là chưa được nhìn thấy tận mắt hay bằng hình ảnh.
Tại
phía tây thành phố Tây An, thủ đô cũ của Trung Quốc, có một dẫy núi
thấp, trên mặt bằng phẳng, chạy dài khoảng hơn một cây số. Dẫy núi này
có hình dáng rất giống một người đàn bà đang nằm khoả thân, với ba trái
đồi thấp nhô lên, sắp xếp giống như ba bộ phận sinh dục của một người
phụ nữ. Giữa hai trái đồi nhỏ, nằm đối xứng hai bên, được tưởng tượng
như cặp nhũ hoa, người ta đã xây một con đường chạy thẳng tắp tới một
ngọn đồi thứ ba, nằm ngay chính giữa, được coi như là bộ phận chiến lược
của người đàn bà.
Cũng
như tất cả các vị vua chúa khác, ngay từ khi còn sống, Đường Thế Tôn đã
sai các nhà phong thủy địa lý đi tìm long mạch để xây lăng mộ cho mình.
Nhưng một hôm, hoàng hậu Võ Tắc Thiên đã dẫn Đường Thế Tôn tới quan sát
dẫy núi nói trên và đã phán rằng, đây là hình ảnh của thiếp, không phải
oong đơ gì cả, không phải tìm kiếm xa xôi gì nữa, thân xác của bệ hạ sẽ
được an táng ngay vào chính ngọn đồi... thứ ba kia, chính giữa cái hàm
rồng đó. Chắc là anh chàng Đường Thế Tôn này cũng là dân... nể vợ như
hầu hết mọi... anh hùng hảo hớn khác, nên long thể của chàng đã được
an... nghỉ (?) tại cái nơi số dách đó cho tới hôm nay, muôn đời không sợ
cô
đơn lạnh lẽo.
Thảo nào sử sách thường cho rằng Võ Tắc Thiên là một người đàn bà tàn ác và đa dâm.
Sau khi Võ Tắc Thiên qua đời, bà cũng được an táng cạnh cái... “hang hùm” đó.*
Bên cạnh lăng mộ, người ta cho trưng bày tượng đá của gần 100 vị sứ
thần ngoại quốc, trong số đó có cả Sứ thần của An Nam Đô Hộ Phủ nữa.
Điểm đặc biệt nhất của lăng mộ này là trước khi chết, Bà Võ Hậu đã cho dựng lên một tấm bia bằng đá hoa cương trắng rất lớn, cao khoảng
10 mét, rộng 5 mét, tấm bia này hoàn toàn trống, không có một chữ viết
nào, vì người đàn bà kiên cường đó đã tuyên bố rằng hãy để cho người đời
sau phê phán về các công việc của bà.
(Về
điểm này thì Bà Võ Hậu gồ ghề hơn một người đàn ông ở nước ta rất
nhiều, mớm cho đàn em bốc thơm mình chưa đủ, tên đại bịp đó còn lấy tên
giả là Trần Dân Tiên để viết sách ca tụng chính mình nữa). Trong hơn
1000 năm về sau, nhiều danh nhân Trung Quốc đã ghi khắc vào tấm bia này
những nhận xét về bà, trong số đó có cả Mao Trạch Đông, nhưng tiếng khen
đã nhiều hơn lời chê.
Trong
hình, ở attachment, hai gò bồng đảo cái to cái nhỏ là tại vì người thợ
chụp hình khi bấm máy đã đứng lệch về một bên, xin quí vị Bác sĩ trong
ngành thẩm mỹ đừng ... vội mừng.
Chỉ có một chuyện hơi lạ, là tại sao cả hai cái nipples, cái núm, lại có hình... vuông? Hay là ở bên Tầu thì nó như vậy?
(Xin xem hình trong attachment)
1/ Chú thích: Hang Hùm: Hồ xuân Hương: Anh đồ tỉnh, anh đồ say Sao anh nghẹo nguyệt giữa ban ngày Này này chị bảo cho mà biết Chốn ấy hang hùm, chớ mó tay Phạm đình Hổ: Này ông tỉnh, này ông say Này ông ghẹo nguyệt giữa ban ngày Hang hùm ví bẵng không ai mó Sao có hùm con bỗng chốc tay? 2/ Trên đây là cái nhìn của một người đàn ông VN về “cái lăng” của Bà Võ Hậu, mời qúi vị đọc tiếp bài sưu tập của ông Fanxico Trần để xem các nhà sử học mô tả nó như thế nào. Hơn nữa cũng có nhiều hình ảnh rất đẹp để minh họa thêm cho bài viết ở trên. Vài bữa nữa sẽ hầu chuyện qúi vị tiếp về mấy chuyến đi Tầu này.
Vũ linh Châu
No comments:
Post a Comment