Monday, December 01, 2014

NỤ TẦM XUÂN

Bài chuyển. Tùy nghi
 
From: Thập Ngv
 Sự Tích Bài Ca Dao ” Trèo Lên Cây Bưởi Hái Hoa”

Kính gởi Anh Chị sự tích một bài ca-dao liên-hệ đến lịch-sử nước ta. Ký tên: Nguyễn văn Tương

  Sự Tích Bài Ca Dao ” Trèo Lên Cây Bưởi Hái Hoa”  
Hoa Tầm Xuân         1
“Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng anh tiếc lắm thay!
2
“Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
3
“Có lòng xin tạ ơn lòng,
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!”
 
            Chùm thơ này đã có trong dân gian từ lâu; nhiều người tưởng rằng nó là chỉ một bài ca dao thuần túy; mà đã là ca dao thì không biết ai là tác giả. Gọi nó là chùm thơ vì đây không phải là một bài mà là ba bài hợp lại, gieo theo thể liên vận, gắn với “Giai thoại Đào Duy Từ”. 
            Truyện kể rằng: “Năm Đinh Mão (1627), chúa Trịnh Đàng Ngoài muốn bắt họ Nguyễn ở Đàng Trong phải thần phục, bèn cử đoàn sứ giả mang sắc vua Lê vào phong cho Sãi Vương (chúa Nguyễn Phúc Nguyên) và đòi Sãi Vương phải cho con vào chầu, đồng thời phải nộp 30 con voi cùng 30 chiếc thuyền làm lễ vật cống nạp nhà Minh. 
               Chúa Sãi không chịu, nhưng bề ngoài chưa biết xử trí ra sao, bèn hội họp triều thần hỏi mưu kế. Lộc Khê hầu Đào Duy Từ khuyên chúa Sãi bước đầu cứ nhận sắc phong, rồi sau sẽ tìm kế đối phó. 
            Ba năm sau, thấy thời cơ thuận lợi, bấy giờ Lộc Khê hầu mới bàn với Sãi Vương, sai thợ làm một chiếc mâm đồng có hai đáy, bỏ sắc vua Lê phong kèm với một tờ giấy có 4 câu chữ Hán vào giữa, rồi hàn kín lại. Trên mâm cho bày nhiều lễ vật hậu hĩnh, rồi cử Lại Văn Khuông làm sứ giả mang ra Thăng Long (Hà Nội này nay), tạ ơn vua Lê và chúa Trịnh. 
            Nhờ có chuẩn bị trước, khi ra kinh đô yết kiến chúa Trịnh, Lại Văn Khuông ứng đối rất trôi chảy. Chúa Trịnh hậu đãi, cho phép Khuông cùng phái đoàn sứ giả đi thăm kinh thành, để chờ Chúa dạy bảo. Trên đường đi, Khuông lén mở cẩm nang của Đào Duy Từ trao cho từ trước. Đọc xong, Khuông cùng cả phái đoàn lẻn trốn về Nam. Thấy phái đoàn sứ giả đột ngột trốn về, chúa Trịnh sinh nghi, bèn cho người đập vỡ mâm lễ, lại thấy tờ sắc phong khi trước, và 1 tờ giấy viết bốn câu thơ chữ Hán sau: 
 
“Mâu nhi vô dịch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch.”
 
            Cả triều đình không ai hiểu ý nghĩa bài thơ, cuối cùng Trịnh Tráng phải cho mời một nhà nho thông thái uyên bác tới giải nghĩa. Đọc xong, nhà nho giải thích rằng:
            Mâu nhi vô dịch nghĩa là chữ Mâu không có dấu phẩy là chữ Dư;
            Mịch phi kiến tích nghĩa là chữ Mịch bỏ bớt chữ Kiến còn lại là chữ Bất;
            Ái lạc tâm trường nghĩa là chữ Ái để mất (lạc) chữ Tâm thì thành chữ Thụ; 
               và Lực lai tương địch nghĩa là chữ Lực đối địch (tương địch) với chữ Lai là chữ Sắc. 
            Vậy, gộp cả bốn chữ mới lại thành câu:
            “DƯ BẤT THỤ SẮC,” nghĩa là “Ta không nhận sắc phong.”
            Nghe xong, Trịnh Tráng vội thét lính đuổi bắt Lại Văn Khuông, nhưng lúc đó Khuông cùng cả phái đoàn đã cao chạy xa bay rồi. 
            Trịnh Tráng muốn ra quân đánh chúa Nguyễn nhưng gặp lúc Cao Bằng và Hải Dương đều có giặc giã nổi lên, đành phải hoãn lại. 
            Trịnh Tráng cho người dò la biết được việc Sãi Vương không nhận sắc phong đều do một tay Lộc Khê Đào Duy Từ bày đặt ra cả. Chúa Trịnh tính kế làm sao để lôi kéo Lộc Khê bỏ chúa Nguyễn (Đàng Trong) về với triều đình vua Lê và chúa Trịnh (Đàng Ngoài). 
            Chúa Trịnh lập mưu, sai người mang nhiều vàng bạc bí mật vào biếu Đào Duy Từ, kèm một bức thư riêng với bốn câu thơ: 
1
“Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em có chồng anh tiếc lắm thay!”.
 
            Lời thơ nói đến chuyện anh (chúa Trịnh) và em (Đào Duy Từ) thuở nhỏ, trèo cây hái hoa bưởi, bước xuống vườn cà hái nụ hoa tầm xuân. Ý thơ trong như ngọc, là lời nhắn nghĩa tình, nhắc ông rằng tổ tiên, quê quán vốn ở Đàng Ngoài. Nếu trở về sẽ được triều đình trọng dụng còn nếu không thì ngầm ý đe dọa.
            Người ta đồn rằng Đào Duy Từ đã xây mộ cho cha mẹ tại Bình Định để tránh bị Đàng Ngoài khống chế theo cách làm của Gia Cát Lượng đón mẹ của Khương Duy vào Hán Trung thuở xưa. Vì thế Đào Duy Từ không sợ hãi chúa Trịnh trả thù; và ông đã trả lại quà tặng và viết bài thơ phúc đáp chúa Trịnh như sau: 
2
            “Ba đồng một mớ trầu cay,
            Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?
            Bây giờ em đã có chồng,
            Như chim vào lồng như cá cắn câu.
            Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
            Chim vào lồng biết thuở nào ra?”
 
            Chúa Trịnh đọc thơ biết khó lòng lôi kéo được họ Đào, nhưng thấy bài thơ chưa có câu kết, ý còn bỏ ngỏ, nên vẫn nuôi hy vọng, bèn cho người đem lễ vật nhiều hơn, và mang theo lá thư của chúa Trịnh vào gặp Đào Duy Từ lần nữa. 
            Lần này, ông mới viết nốt hai câu kết gửi ra, để trả lời dứt khoát việc mời mọc của chúa Trịnh. Hai câu đó như sau: 
3
            “Có lòng xin tạ ơn lòng,
            Đừng đi lại nữa mà chồng (*) em ghen!”
 
(*) Chồng, có ý nói là chúa Nguyễn.
            Từ đấy Đào Duy Từ ở lại giúp chúa Nguyễn ổn định và phát triển vùng đất miền trong, mở mang bờ cõi đất nước ta cho đến lúc qua đời…”
(Nguồn: My Opera/Danh nhân story)
            Vài điều nói thêm về Đào Duy Từ 
            Đào Duy Từ (1572- 1634) sinh tại tỉnh Thanh Hóa. Ông rất thông minh nhưng ông không đươc dự thi vì cha ông làm nghề ca hát. Ông giận chúa Trịnh đối xử bất công cho nên ông bỏ vào Nam (dưới sự cai trị của chúa Nguyễn) 
            Đào Duy Từ vào Nam, sống bằng nghề chăn trâu thuê cho một nhà giàu ở Bình Định. Chủ nhà là người ham mê văn học, đã phát hiện ra Đào Duy Từ là người có tài, nên đã tiến cử Đào Duy Từ cho quan Khám lý Trần Đức Hòa. Vì mến tài của Đào Duy Từ, Trần Đức Hòa đã gả con gái cho, đồng thời tiến cử Đào Duy Từ cho Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên. Sau cuộc gặp gỡ với Đào Duy Từ, Chúa Sãi đã phong cho ông làm Nha Úy Nội Tán. 
            Trong chín năm, từ 1625 đến 1634, Đào Duy Từ đã giúp chúa Nguyễn xây dựng và mở mang bờ cõi về phương nam vì ông có tài cả về chính trị, kinh tế, quân sự, và văn chương thơ phú nữa.
            Trong cuộc chiến Trịnh – Nguyễn, ông đã xây một chiến lũy để ngăn ngừa quân Trịnh. Chiến lũy này chạy từ cửa sông Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu, Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Người dân gọi chiến lũy này là Lũy Thầy (tức là lũy do Thầy Đào Duy Từ xây dựng).
Phong Châu ( sưu tầm)

No comments: