NGƯỜI VIỆT ĐẦU TIÊN ĐẶT CHÂN ĐẾN HOA KỲ
(Dựa trên tư liệu của học giả
Nguyễn Hiến Lê)
Khi Bùi
Viện (một vị quan sống dưới triều vua Tự Đức) đặt chân đến Hoa Kỳ để đặt quan
hệ ngoại giao vào đầu những năm 1870, lịch sử đã coi ông là người Việt Nam đầu
tiên đặt chân lên đất nước châu Mỹ này. Nhưng trong cuốn sách "Con đường
thiên lý" (NXB Văn hóa - Thông tin), nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê đã đưa
ra những bằng chứng thuyết phục, chứng minh rằng trước Bùi Viện 20 năm, có một
người Việt đã thực hiện một chuyến phiêu lưu ở miền Tây hoang dã của Hoa Kỳ như
một cao bồi thực thụ.
Từ một người đi tìm vàng ở
California, ông đã trở thành ký giả người Việt đầu tiên trên đất Mỹ. Ông là
Trần Trọng Khiêm (người làng Xuân Lũng, phủ Lâm Thao, Phú Thọ).
Từ người Việt đầu tiên đến Hoa Kỳ và
nhà báo Việt đầu tiên trên đất Mỹ
Trần Trọng Khiêm sinh năm Tân Tỵ
(1821), tức năm Minh Mạng thứ 2, là con của một gia đình thế gia vọng tộc ở phủ
Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ nhưng trong người lúc nào cũng sẵn máu phiêu lưu. Năm
ông 21 tuổi, vợ ông bị một viên chánh tổng âm mưu làm nhục rồi giết hại. Sau
khi giết tên chánh tổng báo thù cho vợ, ông xuống Phố Hiến (Hưng Yên), xin làm
việc trong một tàu buôn ngoại quốc và bắt đầu bôn ba khắp năm châu bốn bể.
Suốt từ năm 1842 đến 1854, Trần
Trọng Khiêm đã đi qua nhiều vùng đất từ Hương Cảng đến Anh Cát Lợi, Hoà Lan,
Pháp Lan Tây. Do trí tuệ sắc sảo, đến đâu ông cũng học được ngoại ngữ của các
nước đó. Năm 1849, ông đặt chân đến thành phố New Orleans (Hoa Kỳ), bắt đầu
chặng đường 4 năm phiêu bạt ở Mỹ cho đến khi tìm đường về cố hương.
Sau khi đến Mỹ, ông cải trang thành
một người Trung Hoa tên là Lê Kim rồi gia nhập đoàn người đi tìm vàng ở miền
Tây Hoa Kỳ. Sau đó, ông trở về thành phố Xanh - Phát -
Lan - Xích - Cố (phiên âm của San Francisco) và làm kí giả cho tờ Daily News 2
năm. Cuộc phiêu lưu của Trần Trọng Khiêm (tức Lê Kim) trên đất Mỹ đã được nhiều
tài liệu ghi lại.
Trong cuốn sách La Ruée Vers L'or
của tác giả Rene Lefebre (NXB Dumas, Lyon, 1937) có kể về con đường tìm vàng
của Lê Kim và những người đa quốc tịch Gia Nã Đại, Anh, Pháp, Hòa Lan, Mễ Tây
Cơ… Họ gặp nhau ở thành phố New Orleans thuộc tiểu bang Lousiana vào giữa thế
kỷ 19 rồi cùng hợp thành một đoàn đi sang miền Viễn Tây tìm vàng.
Thời đó, "Wild West" (miền
Tây hoang dã) là cụm từ người Mỹ dùng để chỉ bang California, nơi mà cuộc sống
luôn bị rình rập bởi thú dữ, núi lửa và động đất. Trong gần 2 năm, Lê Kim đã
sống cuộc đời của một cao bồi miền Tây thực thụ. Ông đã tham gia đoàn đào vàng
do một người ưa mạo hiểm người Canada tên là Mark lập nên.
Để tham gia đoàn người này, tất cả
các thành viên phải góp công của và tiền bạc. Lê Kim đã góp 200 Mỹ kim vào năm
1849 để mua lương thực và chuẩn bị lên đường. Đoàn có 60 người nhưng Lê Kim đặc
biệt được thủ lĩnh Mark yêu quý và tin tưởng. Do biết rất nhiều ngoại ngữ, ông
được ủy nhiệm làm liên lạc viên cho thủ lĩnh Mark và thông ngôn các thứ tiếng
trong đoàn gồm tiếng Hòa Lan, tiếng Trung, tiếng Pháp. Ông cũng thường xuyên
nói với mọi người rằng ông biết một thứ tiếng nữa là tiếng Việt Nam nhưng không
cần dùng đến. Lê Kim nói ông không phải người Hoa nhưng đất nước nằm ngay cạnh
nước Tàu.
Ông và những người tìm vàng đã vượt
sông Nebraska, qua núi Rocky, đi về Laramie, Salt Lake City, vừa đi vừa hát bài
ca rất nổi tiếng thời đó là "Oh! Suzannah" (Oh! My Suzannah! Đừng
khóc nữa em! Anh đi Cali đào vàng. Đợi anh hai năm, anh sẽ trở về. Mình cùng
nhau cất ngôi nhà hạnh phúc). Họ thường xuyên đối mặt với hiểm họa đói khát và
sự tấn công của người da đỏ để đến California tìm vàng. Sốt rét và rắn độc đã
cướp đi mất quá nửa số thành viên trong đoàn.
Trong đoàn, Lê Kim nổi tiếng là
người lịch thiệp, cư xử đàng hoàng, tử tế nên rất được kính trọng nhưng đó đúng là một chuyến đi mạo hiểm, khiến già nửa thành
viên trong đoàn chết vì vất vả, đói khát và nguy hiểm dọc đường đi.
Sau khi tích trữ được một chút vàng làm
vốn liếng, Lê Kim quay trở lại San Francisco. Vào giữa thế kỷ 19, nơi đây còn
là một thị trấn đầy bụi bặm, trộm cướp. Là người học rộng, hiểu nhiều, lại
thông thạo nhiều ngoại ngữ, Lê Kim nhanh chóng xin được công việc chạy tin tự
do cho nhiều tờ báo như tờ Alta California, Morning Post rồi làm biên tập cho tờ
nhật báo Daily Evening.
Đề tài mà Lê Kim thường viết là về cuộc
sống đầy hiểm họa và cay đắng của những người khai hoang ở bắc California và
quanh khu vực San Francisco, trong đó ông hướng sự thương cảm sâu sắc đến những
người da vàng mà thời đó vẫn là nạn nhân của sự phân biệt chủng tộc. Lê Kim cho
rằng các mỏ vàng đã khiến cuộc sống ở đây trở nên méo mó và sa đọa không gì cứu
vãn được.
Nhiều bài báo của ông đăng trên tờ Daily
Evening hiện vẫn còn lưu giữ ở thư viện Đại học California. Đặc biệt, trong số
báo ra ngày 8/11/1853, có một bài báo đã kể chi tiết về cuộc gặp giữa Lê Kim và
vị tướng Mỹ John A. Sutter. Tướng Sutter vốn trước là người có công khai phá thị
trấn San Francisco. Khi Lê Kim mới đến đây, ông đã được tướng Sutter giúp đỡ rất
nhiều. Sau khi bị lật đổ, Sutter đã bị tâm thần và sống lang thang ở khắp các bến
tàu để xin ăn, bạn bè thân thiết đều không đoái hoài đến.
Khi tình cờ gặp lại, Lê Kim đã cho vị tướng
bất hạnh 200 Mỹ kim. Ông đã chê trách thái độ hững hờ, ghẻ lạnh của người dân
San Francisco và nước Mỹ đối với tướng
Sutter, điều mà theo ông là đi ngược với đạo lý "uống nước nhớ nguồn"
của dân tộc ông.
Sang năm 1854, khi đã quá mệt mỏi với cuộc
sống hỗn loạn và nhiễu nhương ở Mỹ, cộng thêm nỗi nhớ quê hương ngày đêm thúc
giục, Lê Kim đã tìm đường trở lại Việt Nam. Nhưng ông cũng đã kịp để lại nước Mỹ
dấu ấn của mình, trở thành người Việt Nam đầu tiên cưỡi ngựa, bắn súng như một
cao bồi và cũng là người Việt đầu tiên làm ký giả cho báo chí Mỹ.
Người Minh Hương cầm quân chống
Pháp
Năm 1854, Trần Trọng Khiêm trở về Việt
Nam vẫn dưới cái tên Lê Kim. Để tránh bị truy nã, ông không dám trở về quê nhà
mà phải lấy thân phận là người Minh Hương đi khai hoang ở tỉnh Định Tường. Ông
là người có công khai hoang, sáng lập ra làng Hòa An, phủ Tân Thành, tỉnh Định
Tường. Tại đây, ông tục huyền với một người phụ nữ họ Phan và sinh được hai người
con trai, đặt tên là Lê Xuân Lãm và Lê Xuân Lương. Trong di chúc để lại, ông dặn
tất cả con cháu đời sau đều phải lấy tên đệm là Xuân để tưởng nhớ quê cũ ở làng
Xuân Lũng.
Trong bức thư bằng chữ nôm gửi về cho
người anh ruột Trần Mạnh Trí ở làng Xuân Lũng vào năm 1860, Lê Kim đã kể tường
tận hành trình hơn 10 năm phiêu dạt của mình từ một con tàu ngoại quốc ở Phố Hiến
đến những ngày tháng đầy khắc nghiệt ở Hoa Kỳ rồi trở về an cư lạc nghiệp ở Định
Tường. Khi người anh nhắn lại: "gia đình bình yên và lúc này người đi xa đừng
vội trở về", Lê Kim đã phải tiếp tục chôn giấu gốc gác của mình ở miền Tây
Nam Bộ.
Nhưng chưa đầy 10 năm sau, khi làng xóm
bắt đầu trù phú thì thực dân Pháp xâm lược nước ta. Lê Kim đã từ bỏ nhà cửa, ruộng
đất, dùng toàn bộ tài sản của mình cùng với Võ Duy Dương mộ được mấy ngàn nghĩa
binh phất cờ khởi nghĩa ở Đồng Tháp Mười. Tài bắn súng học được trong những năm
tháng ở miền Tây Hoa Kỳ cùng với kinh nghiệm xây thành đắp lũy đã khiến ông trở
thành một vị tướng giỏi. Năng khiếu ngoại ngữ cũng giúp Lê Kim cảm hóa được một
nhóm lính Pháp và dùng chính nhóm lính này tấn công quân Pháp ở Cái Bè, Mỹ Qưới
khiến cho quân giặc điêu đứng.
Năm 1866, trong một đợt truy quét của
Pháp do tướng De Lagrandière chỉ huy, quân khởi nghĩa thất thủ, Lê Kim đã tuẫn
tiết chứ nhất quyết không chịu rơi vào tay giặc. Gia phả nhà họ Lê do hậu duệ của
Lê Kim gìn giữ có ghi lại lời trăn trối của ông: "Trước khi chết, cụ dặn cụ
bà lánh qua Rạch Giá gắng sức nuôi con, dặn chúng tôi giữ đạo trung hiếu, đừng
trục lợi cầu vinh, đừng ham vàng bỏ ngãi. Nghĩa quân chôn cụ ngay dưới chân Giồng
Tháp. Năm đó cụ chưa tròn ngũ tuần". Trên mộ của Lê Kim ở Giồng Tháp (tỉnh
Đồng Tháp) có khắc đôi câu đối: "Lòng trời không tựa, tấm gương tiết nghĩa
vì nước quyên sinh/Chính khí nêu cao, tinh thần hùng nhị còn truyền hậu thế".
Như vậy, không chỉ là người đầu tiên đặt
chân lên đất Mỹ, Lê Kim còn là một trong những nhà yêu nước can đảm đứng lên chống
thực dân Pháp xâm lược. Dù cuộc khởi nghĩa của ông cùng chung số phận với nhiều
cuộc khởi nghĩa khác ở Nam Kỳ đều bị thực dân Pháp và triều đình Nguyễn đánh
tan nhưng Lê Kim vẫn được công nhận là một trong những danh nhân lớn ở Đồng
Tháp thế kỷ 19.
Chủ Nhật, ngày 08 tháng 6 năm 2014
SỐ PHẬN LÊ CHIÊU THỐNG VÀ ĐOÀN TÒNG VONG TRÊN ̣ĐẤT TRUNG QUỐC
Đào Tiến Thi
Bất cứ ai chỉ cần qua
ghế nhà trường cấp 2 cũng đều biết chi tiết trưa ngày mùng năm Tết Kỷ
Dậu (1789), Quang Trung cưỡi voi, áo bào sạm đen khói súng, tiến vào
Thăng Long kết thúc cuộc đại phá 29 vạn quân Thanh chỉ có 5 ngày, sớm
hơn 2 ngày so với dự định (lúc khao quân ở Nghệ An ngày 30 Tết, Quang
Trung hẹn ngày mùng 7 Tết vào Thăng Long mở tiệc ăn mừng).
Nhưng có lẽ ít ai
biết về số phận của ông vua phản bội Tổ quốc Lê Chiêu Thống và đoàn tòng
vong của ông ta sau cuộc thua tan tác này. Chúng tôi xin lược qua 15
năm sống (và chết) nhục nhã (và phần nào đáng thương) trên đất Trung
Quốc của họ.
Bài viết dưới đây
tổng hợp từ Hoàng Lê nhất thống chí [i] (HLNTC), Bắc hành tùng ký (BHTK)
có tham khảo thêm các giáo trình lịch sử Việt nam và từ điển mở
Wikipedia. Trong số này đặc biệt chú ý là Bắc hành tùng ký bởi nó là
cuốn nhật ký của Lê Quýnh, nhân vật quan trọng nhất trong đoàn tùy tùng
của Lê Chiêu Thống, ghi lại những ngày ông bị giam cầm trên đất Trung
Quốc.
Cầu cứu nhà Thanh
Với khẩu hiệu phù Lê diệt Trịnh, sau khi lật đổ họ Trịnh, anh em Tây Sơn giao lại
Bắc Hà cho vua Lê (1786) rồi rút quân về Nam. Vua Lê lúc ban đầu là Lê Hiển
Tông, sau khi qua đời, Lê Duy Khiêm (Lê Duy Kỳ) được kế vị, hiệu là Chiêu Thống,
năm ấy 21 tuổi nhưng Chiêu Thống không đủ uy tín và tài năng để cai quản đất
nước. Bắc Hà rơi vào loạn lạc, Lê Chiêu Thống phải hết dựa vào thế lực này đến
thế lực khác từ Đinh Tích Nhưỡng đến Nguyễn Hữu Chỉnh. Khi Chỉnh bị Võ Văn Nhậm
diệt, Lê Chiêu Thống bỏ chạy sang Quảng Tây, Trung Quốc, cầu cứu nhà Thanh.
Nhân cơ hội ấy, quân Thanh do Tổng đốc lưỡng Quảng là Tôn Sỹ Nghị cầm đầu kéo sang. Ngay
khi vào Thăng Long, chúng đã chẳng coi Lê Chiêu Thống ra gì. Vua ta phải hằng
ngày vào chầu chực ở bản doanh của Tôn Sỹ Nghị để nghe lời sai bảo. Tuy vua Lê
đã được phong Vương nhưng giấy tờ đưa đi các nơi đều dùng niên hiệu Càn Long. Ngày
ngày sau buổi chầu, vua lại tới chờ ở doanh của Nghị để nghe truyền việc quân,
việc nước. Vua cưỡi ngựa đi trước, Lê Quýnh cưỡi ngựa đi sau, quân lính hộ vệ
chỉ vài chục người. Người trong kinh có kẻ không biết là vua hoặc có người biết thì họ nói riêng với nhau rằng: “Nước Nam
ta từ khi có đế, có vương tới nay, chưa thấy bao giờ có ông vua luồn cúi đê hèn
như thế. Tiếng là làm vua, nhưng niên hiệu thì viết là Càn Long, việc gì cũng
do viên tổng đốc, có khác gì phụ thuộc vào Trung Quốc?”. Lại có hôm, vua tới yết
kiến, Nghị không buồn tiếp, chỉ cho người đứng ở dưới linh các truyền bảo: “Hôm
nay không có việc quân, việc nước gì. Hãy về cung yên nghỉ!” (HLNTC). Đối với
quân lính và bọn người Hoa ở Việt Nam thì y lại dung túng cho chúng mặc sức làm
điều phi pháp. Vua Lê tuy biết sự tệ hại ấy nhưng đã trót mời quân Thanh sang,
chỉ sợ vì việc đó mà làm mếch lòng chúng nên không dám nói gì.
Chạy theo tàn quân Thanh
Sau khi quân Thanh đại bại, Lê Chiêu Thống cùng gia quyến và các bề tôi trung
thành lại chạy theo sang Trung Quốc để hy vọng cầu viện nhà Thanh một lần nữa nhưng lúc này, tình hình đã khác. Quân Thanh mà thực chất là
quân 4 tỉnh gần Việt Nam (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Quý Châu), sau những
trận Ngọc Hồi, Khương Thượng, Đống Đa…, đã trở nên khiếp sợ vua Quang Trung và quân Tây
Sơn. Theo Hoàng Lê nhất thống chí, khi quân ta đuổi chúng đến Lạng Sơn, đã nói
phao lên rằng: “Sẽ giết hết rợ Hung Nô”. Do đó, ở đất Trung Quốc, “dân chúng lại
càng nhốn nháo, từ cửa ải Nam Quan trở về bắc, trai gái già trẻ, bồng bế dắt
díu nhau chạy trốn, suốt vài trăm dặm, lặng ngắt không còn bóng người” (HLNTC).
Tôn Sỹ Nghị bị cách chức, vua Càn Long cử Phúc Khang An là một người thuộc đội
“cờ viền vàng” được vua rất tin dùng làm tổng đốc lưỡng Quảng,
thay mặt triều đình lo việc kinh lý với An Nam. Ở triều đình thì việc này giao
cho Hòa Khôn (tức Hòa Thân, viên quan nổi tiếng tham nhũng nhưng lại được vua
Càn Long tin dùng) trực tiếp phụ trách. Cả hai tên này đều không thích gì việc
đánh Việt Nam.
Mặt khác, sau đại thắng, Quang Trung tìm cách hòa hiếu. Ông sai Ngô Thì Nhậm thảo
thư gửi Phúc Khang An nói rõ ta không có ý đánh nhau mà thực ra lỗi thuộc về
Tôn Sỹ Nghị. An bày cho ta đưa vàng bạc đút lót cho Hoà Khôn. Khôn liền tâu với
vua Thanh xin bãi việc binh, phong vương cho Quang Trung. Khôn nói: “Từ xưa đến
nay, chưa có đời nào làm nên công trạng ở cõi Nam. Nhà Tống rồi nhà Nguyên, nhà
Minh, rốt cuộc đều bị thua trận, gương ấy hãy còn rành rành”. (HLNTC)
Ngô Thì Nhậm cho Nguyễn Quang Thực, cháu gọi Nguyễn Huệ bằng cậu, giả làm Quang
Trung, sang yết kiến vua Thanh, dâng thêm hai thớt voi đực. Dọc đường, người
Thanh phải phục dịch chuyển vận rất khó nhọc. Trong ngoài ai cũng biết là giả dối
mà không ai dám nói. Đến Yên Kinh, “vua” Quang Trung (giả) được đón tiếp rất
chu đáo (Càn Long không biết hay biết nhưng cố tình lờ đi?), được phong vương. Và
như vậy, số phận Lê Chiêu Thống đã sắp được định đoạt mà y không biết.
Bị ép gọt đầu gióc tóc
Trong khi ấy, Phúc Khang An giả vờ bảo Lê Chiêu Thống: “Ngày xuất quân không
còn xa, vương nên tự mình đem tả hữu liêu thuộc làm quân dẫn đường đi trước.
Nhưng bây giờ nên gọt đầu gióc tóc, thay đổi quần áo giống như người Trung Quốc
để khi về Nam, quân giặc không thể phân biệt được thì công lớn mới có thể
thành. Sau khi khôi phục nước nhà, bấy giờ sẽ lại theo như tục cũ. Việc binh
không ngại dùng cách xảo trá. Vương nên nghĩ tới chỗ đó.” Lê Chiêu
Thống tưởng thật, vâng lệnh ngay, lại còn nói: “Chúng tôi không giữ được nước
nhà, may nhờ thiên triều cứu viện, dù cả nước phải ăn mặc như người Trung Quốc,
cũng xin vâng lệnh. Việc ấy còn có tiếc gì?” (HLNTC)
Thế là Khang An bèn làm một tờ biểu kín tâu với vua Thanh, nói rằng vua An Nam
không còn có ý xin cứu viện nữa, vua tôi đều đã gióc tóc đổi đồ mặc, xin ở lại
yên ổn trong đất Trung Quốc. Vậy xin bãi bỏ các đạo quân định đưa sang đánh dẹp
phương Nam. Lừa được Chiêu Thống rồi, Khang An còn chơi trò làm nhục ông vua
lưu vong bằng cách bố trí cho Chiêu Thống chạm trán phái đoàn sứ bộ của Quang
Trung làm cho Chiêu Thống rất tức tối. Sau đó, Khang An lại
tìm cách ly gián Lê Chiêu Thống với các bề tôi còn chút tinh thần dân tộc.
Trong số bề tôi này, đáng chú ý nhất là Lê Quýnh. Nguyên Quýnh đã từng theo Lê Chiêu Thống sang cầu
cứu nhà Thanh năm 1788. Lúc quân Thanh kéo vào nước ta, Quýnh được dịp thả sức
say mê tửu sắc, “ân oán riêng dù bằng cái tơ, sợi tóc cũng đều đền báo không hề
sót” (HLNTC). Khi vua chạy theo tàn quân Tôn Sỹ Nghị, Quýnh được giao ở lại
để chiêu mộ lực lượng trong nước. Tháng 5-1789, Khang An cho trát đòi bọn Quýnh
sang “bàn việc nước”. An cho giải Quýnh loanh quanh, mãi tháng 9 mới cho gặp
nhưng rồi “việc nước” chỉ là ép Quýnh gọt đầu gióc tóc và đổi đồ mặc như người
Thanh mà thôi. Quýnh cùng hiệp trấn Nguyễn Mậu Nễ, tri phủ Nguyễn Đồng, Trịnh
Hiến, chỉ huy Lê (Doãn) Trị, hàn lâm viện cung phụng Lý Bỉnh Đạo, cả bọn thà chết
chứ không chịu gọt đầu gióc tóc. Quýnh và nhiều đồng chí của mình bị đi đày.
Trong số này, Nguyễn Đồng bị bệnh chết ở châu Nam Ninh, Nguyễn Mẫu Nễ chết ở Liễu
Châu.
Tuyệt vọng
Lại nói về Lê Chiêu Thống, trong thời gian ở Yên Kinh, vẫn tiếp tục
dâng biểu xin nhà Thanh cho viện binh về nước khôi phục nhà Lê. Nếu không được
thì cũng cho mượn 2 châu Tuyên Quang, Hưng Hóa để xây dựng lực lượng hoặc lẻn
vào Gia Định cầu viện Nguyễn Ánh. Bọn quan nhà Thanh thì luôn tìm cách dối
quanh để khất lần. Có lúc chúng bảo cho mượn đất Khâm Châu (Quảng Đông), có lúc
bảo cho về Tuyên Quang. Có lần bực quá, một tên dắt ngựa của vua Lê là Nguyễn
Văn Quyên phải chửi: “Bọn chó Ngô vô lễ, dám làm nhục vua ta” rồi lấy gạch ở
sân ném bừa vào bọn chúng. Đám quân lính giữ vườn nổi giận, xúm lại đánh Văn
Quyên gần chết, đoạn bắt giam một tháng, Văn Quyên nhân thế bị bệnh mà chết.
Một người con của Càn Long biết sự tình của vua tôi Lê Chiêu Thống, có ý thương
xót, liền khuyên Hòa Khôn lời lẽ phải chăng. Khôn tâu lại với vua, anh này liền
bị đánh đòn, sau sinh bệnh chết. Từ đấy, vua Lê không còn dám nói đến việc xin
quân cứu viện nữa nhưng trong lòng uất ức khôn nguôi.
Mùa hè năm Nhâm Tý (1792), con đầu của Lê Chiêu Thống lên đậu rồi mất. Vua lo
buồn sinh bệnh, thoi thóp nằm liệt không dậy được. Năm sau, bệnh nhà vua càng
nguy kịch rồi mất (Càn Long thứ 58, 1792), thọ 28 tuổi. Ngày 11-10,
niên hiệu Gia Khánh nhà Thanh (1799), Thái hậu (mẹ Lê Chiêu Thống) cũng mất ở
“Tây An Nam doanh”. Vua Thanh cho chôn cạnh lăng Lê Chiêu Thống.
Ngày mồng 4-4 năm Gia Khánh thứ 5 (Canh Thân, 1800), bọn Quýnh được thả ra khỏi
ngục, dời đi ở cách phía tây kinh thành mười hai dặm tại Lam Xưởng, an trí ở
doanh Hoả Khí ngoài. Đầu tóc, ăn mặc được phép tự do. Phần mộ chúa cũ được phép
thăm viếng. Tuy nhiên khoảng tháng 7-1883 lại bị bắt trở lại.
Trở về cố quốc
Năm Giáp Tý (1804), lúc này triều Tây Sơn đã mất, Nguyễn Ánh lên ngôi vua. Nhà
Thanh cho Lê Quýnh cùng các quan tòng vong được đưa di hài Chiêu Thống về táng ở
quê nhà và cho tất cả các người bề tôi trốn theo đều được về nước. Các bề tôi mở
quan tài vua Lê Chiêu Thống (đã quàn 12 năm) thì thấy da thịt đã nát hết, chỉ
có trái tim không nát mà sắc máu hầu như vẫn còn đỏ tươi! (chi tiết này ghi
trong HLNTC, không rõ thực hư thế nào). Khi di hài vua Lê đưa về đến cửa ải, có
bà hoàng phi của vua là Nguyễn Thị Kim nghe tin, liền từ Kinh Bắc lên cửa ải để
đón linh cữu. Ngay từ hôm ấy, hoàng phi tuyệt thực, hằng ngày vật vã bên linh cữu
mà khóc lóc. Ngày 23-8-1804, di hài đưa về đến Thăng Long, các quan thay hài cốt
vua Lê sang một chiếc tiểu khác, thấy trái tim vẫn còn y nguyên (?). Tế xong, hoàng phi đến trước hương án khóc lóc thảm thiết
rồi sau đó, uống thuốc độc tự tử. Người khắp nước ta và người Trung Quốc đều
khen là bậc “tiết nghĩa”.
Các bề tôi trốn theo vua Lê, về sau, vào năm Tự Đức thứ 14 (1860), được nhà vua
cho lập đền thờ ở phía tây thành Thăng Long tại phường Thuỵ Chương thuộc huyện
Vĩnh Thuận (Có tài liệu cho là ngõ 124, đường Thụy Khê, Hà Nội ngày nay). Chính
giữa thờ Lê Quýnh (thuỵ là Trung Nghị), bên tả thờ 11 vị, bên trái thờ 11 vị,
phía đông thờ 5 vị, phía tây thờ 5 vị. Như vậy, tất cả gồm 33 người đều được gọi là “Cố Lê tiết
nghĩa thần” (các bầy tôi tiết nghĩa đời Lê) và ngôi đền cũng đề là “Cố Lê tiết
nghĩa từ” (đền thờ các bậc tiết nghĩa đời Lê).
Theo chúng tôi, Lê Quýnh và một số “tiết nghĩa” nói trên chỉ đáng khen mỗi việc
kiên quyết không gọt đầu gióc tóc như người Thanh dù bị tù đày, đe dọa, mua chuộc
thế nào chứ hành động bán nước là không thể tha thứ. Mặt khác, tình cảnh của họ
cũng như vua Lê những ngày sống lưu vong và bị giam cầm trên đất Trung Quốc
cũng có phần đáng thương. Nhận định về Bắc hành tùng ký, nhà nghiên cứu Nguyễn
Đăng Na viết: “Tác giả đã ghi lại tâm trạng đau khổ, uất ức, tủi nhục của mình
nói riêng, của vua tôi nhà Lê nói chung trong những ngày sống trên đất Trung
Hoa. Tác phẩm như một tấm gương phản tỉnh những ai có ảo tưởng “phục quốc” bằng
con đường dựa vào người nước ngoài”.
Buồn thay, lịch sử đang tái diễn!!!
Thứ Sáu, ngày 06 tháng 6 năm 2014
NHỮNG TRANG SỬ OAI HÙNG CHỐNG GIẶC TÀU XÂM LƯỢC
NHỮNG TRANG SỬ OAI HÙNG CHỐNG GIẶC TÀU XÂM LƯỢC
Nguồn: Internet
Nguồn: Internet
Nước
Việt Nam ta trải qua 4.000 năm dựng nước và giữ nước, đã bao lần bị
xâm lăng bởi ngoại bang, nhất là quân Tàu. Có những lần tưởng như là
không còn có cơ hội tồn tại nhưng với bản năng quật cường, lòng gan dạ
và sức chịu dựng gịan khổ bền bỉ, dân ta đã nhiều lần nổi dậy chiến đấu
chống quân thù, giành lại nền độc lập cho nước nhà.
Ngoài
các vị anh hùng hào kiệt và quân dân đã chiến đấu dũng cảm và chịu hy
sinh để cứu nước, còn có những kẻ ích kỷ vì quyền lợi cá nhân và dòng
họ, đã bán rẻ anh em và đồng bào, cõng rắn cắn gà nhà khiến dân ta chịu
nhiều nhục nhằn khổ sở.
Sử
gia Trần Trọng Kim đã viết: “Người An Nam hay có tính ỷ lại, có việc gì
chỉ muốn nhờ người khác chứ tự mình không muốn làm lấy. Họ không hiểu
rõ nghĩa dân với nước, nhà nào lên làm vua thì coi cả nước là của riêng
của mình, hễ ai lấy mất thì cố tìm cách dù là đê hèn như cầu viện ngoại
bang để lấy lại. Họ có biết đâu rằng quân Tàu thật dã man, sau khi
chiếm được nước ta rồi thì họ tìm mọi cách cướp phá bằng hết không một
chút thương xót người đồng loại”.
Để
tưởng nhớ các vị anh hùng đã cứu nước và cũng để nhắc nhớ những trang
sử oanh liệt của tiền nhân, chúng tôi xin tóm luợc những cuộc nổi dậy
chống quân Tàu xâm lược:
Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng:
Viên thái thú Tô Định đời Quang Vũ nhà Hán cai trị nước ta thật là bạo
ngược. Năm 40, Tô Định giết ông Thi Sách là chồng bà Trưng Trắc. Bà
Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị, con gái quan Lạc Tướng ở huyện Mê Linh,
Phúc Yên, đã hô hào dân chúng nổi dậy chống quân xâm lược. Lúc bấy giờ,
các quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố cũng nổi lên theo hai bà vì
không chịu nổi sự cai trị hà khắc của quân Tàu. Sau khi đánh đuổi được
quân Tàu về nước, hai bà xưng làm vua, đóng đô ở Mê Linh. Ba năm sau,
hai bà bị Mã Viện đánh thua, phải nhảy xuống sông Hát tuẫn tiết.
Cuộc khởi nghĩa của bà Triệu năm 248:
Bà Triệu tên là Triêu Thi Trinh, quê ở Nông Cống, là người có sức mạnh,
có ý chí và nhiều mưu lược. Vì sự thống trị dã man của quân Đông Ngô, bà
vào núi chiêu mộ khoảng 1.000 chiến sĩ luyện tập để chống giặc. Anh bà
là Triệu quốc Đạt khuyên bà không nên nhưng bà nói rằng: "Tôi muốn cưỡi
con gió mạnh, đạp đường sóng dữ, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi đắm
đuối chứ không bắt chước người cúi đầu, cong lưng để làm tì thiếp người
ta". Bà ra trận cỡi voi, mặc áo giáp vàng, xưng là Nhụy Kiều tướng
quân. Nhưng vì quân ta ít, quân giăc đông và dưới sự chỉ huy của Lục
Dạn, một tướng giỏi của Tàu, lại thêm sự phản bội của một người Việt
trong hàng ngũ quân lính của bà nên quân ta thua. Bà hy sinh trên núi
Tùng, Thanh Hóa, lúc bà mới 25 tuổi.
Cuộc khởi nghĩa của Lý Bôn năm 469.
Năm 469, dưới sự cai trị tàn bạo của nhà Lương bên Tàu, ông Lý Bôn, còn
gọi là Lý Bí, quê ở Thái Bình, được sự ủng hộ của Triệu Túc, một tù
trưởng ở Hưng Yên và con là Triệu Quang Phục đã khởi nghĩa đánh đuổi
quân Lương về Tàu. Quân Lương sang tiếp viện nhưng lại bị đánh bại. Lý
Bôn xưng vương, hiệu là Lý Nam Đế, lấy quốc hiệu là Vạn Xuân, lập kinh
đô ở sông Tô Lịch. Về sau, quân Lương lại sang đánh báo thù, quân Lý Nam
Đế thua nhiều trận. Lý Nam Đế bị bệnh mất, trao quyền cho Triệu Quang
Phục.
Triệu Quang Phục rút quân về đầm Dạ Trạch, Hưng Yên, tự túc, tự cường,
tích trữ lương thực để chiến đấu lâu dài. Vì thế, quân ta bị bao vây rất
lâu nhưng vẫn tồn tại và thỉnh thoảng lại mở các cuộc đột kích đánh phá
quân Lương khiến giặc gặp rất nhiều khó khăn. Về sau, Triệu Quang Phục
xưng là Triệu Việt Vương rồi mở cuộc phản công qui mô giết đuợc tướng
giặc là Dương Sào giành lại nền độc lập cho nước nhà.
Cuộc khởi nghĩa của Mai Hắc Đế:
Mai
Thúc Loan người huyện Thiên Lộc, Hà Tĩnh, sức vóc khỏe mạnh, măt mũi
đen xì, là người gan dạ và có chí khí. Năm 722, dân ta bị cai trị bởi
nhà Đường bấy giờ là đời Đường Huyền Tông. Dân ta phải cống nộp đủ thứ,
nhất là quả vải (lệ chi ) để vua Đường phục vụ cho Dương Qúi Phi. Có một
lần trong khi khuân vác nặng nhọc, một người Việt yếu sức quá không đi
nổi, bị một tên lính Tàu áp tải đánh chết. Ông Mai Thúc Loan cũng có mặt
trong đoàn áp tải ngày hôm đó, nổi giận, hô hào mọi người cùng giết hết
lũ giặc. Sau đó, ông hiệu triệu dân chúng chiếm giữ một vùng trong tỉnh
Nghệ An, xây thành, đắp lũy, xưng là hoàng đế, tục gọi là Mai Hắc Đế.
Về sau, Mai Hắc Đế bị quân nhà Đường đánh bại.
Cuộc khởi nghĩa của Phùng Hưng:
Năm 767, dưới
sự cai trị khắc nghiệt của Cao Chính Bình đời Đường, ông Phùng Hưng, quê
ở Đường Lâm, Sơn Tây, nổi dậy chống giặc. Sau hơn 20 năm chiến đấu gian
khổ, quân Việt đã đánh tan nát quân Tàu, buộc chúng phải chạy về nước.
Ông làm vua được 7 năm thì mất, trao quyền cho con là Phùng An. Phùng An
tôn hiệu cha là Bố Cái Đại Vương.
Cuộc khởi nghĩa của Khúc Thừa Dụ:
Năm 905, ông
Khúc Thừa Dụ, quê ở Hải Dương, cùng dân ta nổi dậy đánh đuổi đươc quân
Tàu về nước. Khúc Thừa Dụ xưng vương, đã bãi bỏ hết các quan lại cũ, bỏ
bớt thuế má để bớt gánh nặng cho dân rồi xây dưng một một chính quyền
độc lập để người Việt tự cai trị. Năm 917, Khúc Thừa Dụ mất, truyền
ngôi cho con là Khúc Thừa Mỹ. Sau đó, Khúc Thừa Mỹ bị Lý Tiến và Lý
Chính Bình nhà Nam Hán đánh bại.
Cuộc khởi nghĩa của Dương Diên Nghệ:
Năm 931, ông
Dương Diên Nghệ, một bộ tướng của Khúc Hạo, mộ quân đánh đuổi được Lý
Tiến va Lý Chính Bình về nước rồi xưng là Tiết Độ Sứ. Sáu năm sau, ông
bị người nha tướng là Kiều Công Tiễn ám hại.
Cuộc khởi nghiã của Ngô Quyền:
Ông Ngô Quyền,
người làng Đường Lâm, Sơn Tây, là một bộ tướng của Dương Diên Nghệ. Ông
là một người tài đức, có chí khí nên được Dương Diên Nghệ gả con gái
cho và cho cai quản đất Aí Châu. Khi được tin Dương Diên Nghệ bị Kiều
Công Tiễn giết, ông bèn đem quân ra đánh. Kiều Công Tiễn sợ quá, cho
người sang Tàu cầu cứu. Vua Nam Hán bên Tàu được thể, bèn sai con là
thái tử Hoằng Thao, đem quân sang đánh trước và vua dẫn quân đi sau tiếp
viện. Ngô Quyền giết được Kjều Công Tiễn rồi sai quân bày trận cọc nhọn
trên sông Bạch Đằng, dụ cho quân Nam Hán đuổi theo rồi phản cômg khi
nước thủy triều xuống. Thái tử Hoằng Thao bị giết cùng với quá nửa quân
Tàu. Vua Nam Hán sợ quá phải rút quân tháo chạy về Tàu, không dám đem
quân sang quấy nhiễu nước ta nữa. Nhờ có Ngô Quyền, nước Nam ta mới cởi
được ách bắc thuộc hơn 1.000 năm, mở đường cho các triều đại Đinh, Lê,
Lý, Trần về sau được tự chủ ở cõi An Nam. Ngô Quyền làm vua được sáu năm
thì mất. Khi Ngô Quyền mất, Dương Tam Kha, em vợ Ngô Quyền, con Dương
Diên Nghệ, đươc Ngô Quyền ủy thác giúp tự quân, lại cướp ngôi vua của
cháu. Về sau Dương Tam Kha bị con Ngô Quyền là Ngô Xương Ngập đánh đuổi.
Ngô Xương Ngập cùng anh là Ngô Xương Văn cùng làm vua nhưng rồi tranh
dành quyền lực khiến nước bị đại loạn, chia cắt thành 12 sứ. Về sau Đinh
Bộ Lĩnh dẹp đươc 12 sứ quân xưng làm Đinh Tiên Hoàng.
Cuộc đánh đuổi quân Tống của vua Lê Đại Hành:
Lê Hoàn, người
làng Bảo Tháp, tỉnh Hà Nam, là một tướng giỏi đời vua Đinh Tiên Hoàng,
được liệt vào một trong Giao Châu thất hùng, được vua Đinh phong làm
thập đạo tướng quân (chức nắm chọn binh quyền trong tay). Khi Đinh Tiên
Hoàng bi tên Đỗ Thích ám sát, Đinh Tuệ mới 6 tuổi được lập làm vua và
được sự nhiếp chính của mẹ là Dương Thái Hậu và Lê Hoàn. Các tướng Đinh
Điền, Phạm Hạp và Nguyễn Bặc sợ Lê Hoàn chuyên quyền nên hop quân đi
đánh nhưng bị Lê Hoàn dẹp và giết hết.
Năm 981, vua
tôi nhà Tống thừa dịp nội bộ An Nam lủng củng, sai Hầu Nhân Bảo, Tôn
Toàn Hưng và thủy sư đô đốc Lưu Trừng đem thủy bộ binh mã sang đánh
nước ta. Lê Hoàn sai Phạm Cự Lượng đem quân lên Lạng Sơn trấn giữ.
Trước khi mang quân lên Lạng Sơn, Phạm Cự Lượng họp quân sĩ cùng suy tôn
Lê Hoàn lên làm vua để có người tài giỏi chỉ huy toàn quân. Thái Hậu
Dương Vân Nga, thấy vua còn nhỏ quá, không thể nào gánh vác được việc
nước trong cơn nguy hiểm này, nghĩ đến tiền đồ dân tộc và lại thấy toàn
quân ủng hộ Lê Hoàn, một người tướng tài được bà yêu kính nên bà đã
khoác áo Long Cổn mặc vào cho Lê Hoàn. Lê Hoàn lên làm vua lấy niên hiệu
là Lê Đại Hành. Vua để Thái Hậu tự nhiếp chính, còn vua tự mang quân
đi chống giặc. Với tài trí tuyệt vời, vua đã sai quân cầm chân thủy quân
của Lưu Trưng trên sông, lừa quân của Hồ Nhân Bảo vào chỗ hiểm ở Ôn
Châu, Lang Sơn. Hồ Nhân Bảo và một nửa số quân bị thảm tử. Bọn Lưu Trừng
sợ quá phải rút thủy quân tháo chạy.
Sau khi đánh
tan quân Tống, vua Lê Đại Hành lại đem quân dẹp Chiêm Thành bắt phải
triều cống vì nước này hay đem quân quấy nhiễu nước ta.
Lý Thường Kiệt đánh Tống:
Năm 1075, vua
Lý Nhân Tông và Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, biết ý tể tướng Vương An Thạch nhà
Tống muốn mang quân sang đánh nước ta bèn dùng chiến lược tấn công để
phòng thủ, tiên hạ thủ vi cường, sai Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem 10
vạn quân sang đánh các châu Liêm, châu Khâm ( Quảng Đông ) và Uy châu (
Quảng Tây ). Quân nhà Lý giết hại hơn 10 vạn quân dân Tàu.
Năm 1076, vua
nhà Tống sai Quách Qùy và Triệu Tiết là các danh tướng mang quân sang
đánh nước ta để trả thù. Quân nhà Tống đánh rất hăng nhưng quân ta dưới
sự chỉ huy tài giỏi của Lý Thường Kiệt, đã oanh liệt chống giữ. Để khích
lệ sức chiến đấu của binh sĩ, Lý Thường Kiệt đã sáng tác một bài thơ
phao tin là được thần nhân mách bảo:
Nam quốc sơn hà, Nam đế cư.
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan, thủ bại hư.
Sau khi nghe
được bài thơ, quân ta càng nức lòng đánh giặc. Lý Thường Kiệt sợ đánh
lâu bất lợi vì quân Tàu quá đông nên sai sứ sang xin hoãn binh. Vua
Tống, thấy quân mình không tiến lên được mà tướng sĩ đã chết quá nửa
(trên 4 vạn quân) nên thuận cho hòa và rút quân về nước. Đây là một
chiến công oanh liệt mà nhà Lý đã làm vẻ vang cho nước nhà và làm cho
quân Tàu khiếp sợ.
Nhà Trần chống quân Nguyên:
Lần thứ I:
Năm 1258, quân Nguyên, đời Hốt Tất Liệt, người đã càn quét hết nước Tàu
và gần một nửa Châu Âu, sau khi chiếm đươc Đại Lý (Vân Nam), đã tiến
sâu vào lưu vưc sông Hồng Hà, thế rất mạnh. Quân ta không chống nổi,
phải lui dần về phía Nam. Vua Trần Thái Tông phải bỏ thành Thăng Long.
Vua lo sợ, hỏi ý thái sư Trần Thủ Độ. Trần Thủ Độ là một người tài ba,
lỗi lạc, đã sửa soạn trước việc chống giặc nên rất bình tĩnh trả lời :
"Đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo". Lời nói đó đã giữ
vững tinh thần của vua và toàn quân. Về sau, quân ta phản công chiếm
lại Đông Bộ Đầu, đánh bật quân Nguyên về nước.
Lần thứ II:
Năm 1282, Hốt Tất Liệt muốn đánh nước ta để trả thù nên sai sứ bắt vua
ta phải sang chầu, phải nộp ngà voi, vàng bạc, hiền sĩ và thợ khéo. Vua
Trần Nhân Tông sai chú họ là Trần Di Aí đi sứ thay mình. Vua Nguyên
không chịu, quyết ý đánh chiếm nước Việt nên xuống chỉ lập tòa Tuyên
Phủ Ti, đặt quan liêu thuộc để sang giám định các châu huyện của nước
ta. Vua Nhân Tôn không chịu, bèn đuổi hết đám đó về Tàu. Vua Nguyên tức
giận, bèn lập Trần Di Aí làm An Nam Quốc Vương và sai Sài Thung dẫn
1.000 quân đưa bọn đó về làm vua nước Nam. Vua Nhân Tông sai tướng đón
đánh, bắn mù một mắt Sài Thung và bắt Trần Di Aí đi làm lính tội đồ. Khi
Sài Thung thua chạy về nước, vua Nguyên thật là giận giữ, sai con là
Thoát Hoan cùng các danh tướng Toa Đô, Ô Mã Nhi đem 50.000 quân sang
đánh nước ta. Vua Nhân Tông mời các bô lão đến họp hội nghị Diên Hồng để
hỏi ý kiến nên chịu thua hay nên chiến đấu. Các bô lão đồng thanh hô
to: “QUYẾT CHIẾN". Hưng Đạo Đại Vương là một người tài ba, lỗi lạc, được
vua Trần Nhân Tông trao toàn quyền chống giặc. Ông đã có sẵn kế hoạch
phá địch. Ông đã soạn một quyển binh thư yếu lược để cho tứớng sĩ học
tập. Vương cũng đã soạn ra một bài hịch khuyên răn quân dân đồng lòng
chống giặc. Với sách lược tuyệt vời, Vương cho quân mai phục, vừa đánh
vừa lui để làm chậm bước tiến của địch và để bảo toàn lực lượng chờ lúc
phản công. Vương khuyên dân chúng dùng chính sách vườn không, nhà trống,
đốt hết nhà cửa và lương thực, rút vào núi khi giặc đến. Quân Nguyên
tấn công thật vũ bão, quân ta phải rút về Vạn Kiếp rồi bỏ Thăng Long rút
về Thanh Hóa. Hưng Đạo Vương sai thượng tướng Trần Khánh Dư trấn giữ
Nghệ An và các nơi hiểm yếu. Tại Nghệ An, Trần Kiệm ra hàng giặc. Hưng
Đạo Vương sai quân đón đánh, giết chết Trần Kiệm.
Tại Thiên
Trường, Trần Bình Trọng đánh nhau với quân Nguyên ở Đông An, Hưng Yên,
bị thua và bị bắt. Thoát Hoan dụ Trần Bình Trọng: “CÓ MUỐN LÀM VƯƠNG ĐẤT
BẮC KHÔNG?” Trần Bình Trọng quát lớn: “TA THÀ LÀM QUỈ NƯỚC NAM CHỨ
KHÔNG THÈM LÀM VƯƠNG ĐẤT BẮC". Thoát Hoan thấy dụ không đươc nên sai
chém đầu ông..
Thái Thượng
Hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông lo sợ nên bàn với Hưng Đạo
Vương xin hàng để tránh tai họa cho dân. Hưng Đạo Vương tâu: "NẾU BỆ HẠ
MUỐN HÀNG, XIN HÃY CHÉM ĐẦU THẦN TRƯỚC ĐÃ". Các vua nghe nói thế mới
vững lòng. Toàn quân đều hăng hái, quyết chiến, lấy mực thích vào cánh
tay hai chữ "SÁT THÁT".
Toa Đô đánh
Nghệ An mãi không được vì tướng Trần Quang Khải đã trấn giữ hết các nơi
hiểm yếu. Toa Đô bàn với Ô Mã Nhi rút quân xuống thuyền, vượt biển ra
Bắc để hợp binh với Thoát Hoan.
Vua Trần Nhân
Tông nghe lời Hưng Đạo Vương, sai Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải và
Nguyễn Khoái đem 5 vạn quân đón đánh Toa Đô tại Hải Dương. Quân giặc
thua to phải chạy về Thiên Trường rồi rút quân về sông Thiên Mạc (khúc
sông Hông Hà thuộc địa hạt Đông An, Hưng Yên) rồi về Tây Kết, phủ Khoái
Châu, Hưng Yên. Quân ta tấn công dữ dội, giết chết Toa Đô và bắt được 3
vạn quân Nguyên. Hưng Đaọ Vương lại sai Trần Quang Khải, Trần Quốc Toản
và Phạm Ngũ Lão đem quân theo đường biển tiến đánh Chương Dương. Quân
Nguyên thua to phải chay về Thăng Long.
Thoát Hoan ở
Thăng Long bị Trần Quang Khải đánh úp, thua chạy về Bắc Ninh. Hưng Đạo
Vương dẫn quân đánh Thoát Hoan ở Bắc Giang. Quân Thoát Hoan thua to,
phải chạy về Vạn Kiếp thì bị phục kích. Tướng Lý Hằng và nửa số quân bị
giết. Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để quân sĩ kéo chạy về Tàu.
Quân Nguyên, lúc sang đánh nước ta hùng hổ bao nhiêu thì khi bị bại trận lại thảm hại bấy nhiêu.
Đây là một trận đánh oai hùng, lịch sử đáng để muôn đời ghi nhớ. Đó là nhờ sự đoàn kết của toàn dân.
Lần thứ III:
Năm 1287, vua Nguyên lại sai Thoát Hoan và các chiến tướng là A Bát
Sích, A Lỗ Sích, Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp đem 30 vạn quân sang đánh phục
thù. Lại với chiến thuật vừa đánh vừa lui, vườn không, nhà trống của
Trần Hưng Đạo, quân ta lui dần về Vạn Kiếp rồi Thanh Hóa để giữ nguyên
chủ lực. Thoát Hoan vây thành Thăng Long nhưng đánh mãi không được vì
sự kháng cự dũng cảm của quân dân ta nên phải lui về Vạn Kiếp.
Vua Trần Nhân
Tông sai Trần Khánh Dư chặn đánh Ô Mã Nhi đi đón lương thực tại cửa bể
Đại Nguyên, Hải Dương nhưng quân ta bị thua. Vua Nhân Tông muốn trị tội
Khánh Dư nhưng Trần Khánh Dư xin dược đánh lại để lập công, chuộc tội.
Trần Khánh Dư bèn nhặt nhạnh hết các thuyền bè rồi phục kích đội thuyền
lương của Trương Văn Hổ cướp được hết các thuyền lương của giặc. Thấy
mất hết lương thực và lại đánh mãi không được, các tướng Nguyên nản chí,
khuyên Thoát Hoan nên rút lui. Thoát Hoan thấy không thể thắng được nên
đồng ý rút lui, bèn sai Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp dẫn quân theo đường sông
Bạch Đằng về trước. Hưng Đạo Vương sai Phàn Khoái đặt trận cọc trên sông
Bạch Đằng, phục kích. Quân Nguyên bị đại bại. Phàn Tiếp và Ô Mã Nhi bị
bắt. Thoát Hoan sợ quá, chạy đến ải Nội Bàng thì lại bị tướng Phạm Ngũ
Lão phục kích, quân Nguyên bị giết quá nửa, phải tháo chạy về Tàu.
Trong kỳ chiến
đấu này, có lúc thật nguy cơ nên vua Trần Nhân Tông phải dùng kế mỹ
nhân, hiến con gái cưng là An Tư công chúa cho Thoát Hoan để mê hoặc và
làm nhụt chí chiến đấu của Thoát Hoan. Lúc hai bên giao chiến tại Thăng
Long, An Tư công chúa đã đã thừa dịp đốt kho đạn của quân Nguyên khiến
quân giặc khiếp sợ và công chúa đã hy sinh trong khói lửa. Thật anh dũng
thay!
Nhà Trần đã 3
lần đánh tan quân Nguyên, một đoàn quân bách thắng từ Âu sang Á là nhờ
sự đoàn kết của toàn dân và sự lãnh đạo tài giỏi của Hưng Đạo Vương.
Thật là một trang sử oai hùng của dân tộc, đáng ghi nhớ đời đời !
Cuộc khởi nghĩa của Giản Định Đế:
Nhà Trần mất
về tay nhà Hồ. Tướng nhà Minh là Mộc Thạch được lệnh sang đánh nước ta.
Năm 1407, Giản Định Vương, con của Trần Nghệ Tông, được các tướng Đặng
Tất và Nguyễn Cảnh Chân phò tá, đã đứng lên đánh đuổi được Mộc Thạch về
đến huyện Y Yên và chém được tướng Từ Nghi. Về sau Giản Định Vương nghe
lời xúi xiểm của đám hoạn quan cận thần, giết chết Đặng Tất và Nguyễn
Cảnh Chân. Các con của Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân là Đặng Dung và
Nguyễn Cảnh Dị bèn bỏ Giản Định Vương về phò Trần Qúi Khoách. Trần Qúi
Khoách và Giản Định Vương lại hợp tác với nhau đánh đuổi đuợc Mộc Thạch
về nước.
Vua nhà Minh
lai sai Trương Phụ sang đánh. Quân ta thua, Trần Quí Khoách, Đặng Dung
và Nguyễn Cảnh Dị đều bị bắt giải sang Tàu nhưng cả ba người vì tiết
tháo đã nhảy xuống biển tự tử.
Cuộc Khởi Nghĩa của Lê Lợi:
Năm 1418, ông
Lê Lơi, quê ở Lam Sơn, Thanh Hóa, cùng Lê Thạch và Lê Liễu khởi binh tại
Lam Sơn xưng là Bình Định Vương rồi truyền hịch đi khắp nơi kể tội ác
của quân Minh và hô hào toàn dân nổi dậy. Dân ta bị áp bức đã lâu nên
mọi người ùn ùn theo về dưới trướng Bình Định Vương.
Lúc đầu, vì
quân ít, lại thiếu lương thực, quân ta thua nhiều trận, phải rút về núi
Chí Linh 3 lần. Có một lần, Lê Lợi bị vây hãm quá nguy kịch tưởng không
thoát khỏi bại vong thì được Lê Lai giaê dạng vua để liều mình cứu
chúa. Về sau, Lê Lợi được Nguyễn Trãi theo phò, dâng kế sách bình Ngô.
Nguyễn Trãi là con ông bảng nhỡn Nguyễn Phi Khanh, làm quan đời nhà Hồ.
Khi cha con Hồ Quí Ly bị nhà Minh đánh bại và bị bắt sang Tàu, ông
Nguyễn Phi Khanh có đi theo, Nguyễn Trãi đi theo cha khóc lóc. Ông
Nguyễn Phi Khanh bảo Nguyễn Trãi: "Con phải trở về nhà mà luyện chí trả
thù cho cha và rửa nhục cho nước chứ đi theo khóc lóc mà làm gì?". Từ
đó, Nguyễn Trãi về nuôi chí, soạn thảo ra kế sách diệt giặc. Vua Lê Lợi
nghe theo kế của Nguyễn Trãi vây thành Tây Đô, quân ta đánh bại Vương
Thông tại Tụy Động, giết 5 vạn quân và bắt sống 1 vạn quân Tàu khiến
Vương Thông phải rút quân về thành Đông Quan. Tại thành Đông Quan, quân
Vương Thông thua mãi, phải xin hàng và hứa sẽ rút hết quân về nước. Lúc
bấy giờ có mấy viên quan người Việt phản quốc phò Vương Thông, xúi Vương
Thông không nên hàng vì sợ bị giết nên Vương Thông nuốt lời hứa, sai
người mang thư về Tàu xin vua Minh cho quân sang cứu viện. Vua Minh sai
Liễu Thăng mang 10 vạn quân sang giúp Vương Thông. Theo kế của Nguyễn
Trãi, vua Lê Lợi sai quân đánh phá khắp nơi để làm hoang mang quân giặc.
Liễu Thăng vì kiêu căng, không nghe lời khuyên của quân tướng nên bị dụ
vào một vùng bùn lầy, bị chém chết tại trận. Quân ta thừa thắng chém
giết vô số quân Tàu. Vương Thông thấy quân cứu viện đã thua nên xin hàng
và rút hết quân về nước.
Sau 10 năm
chiến đấu gian khổ, quân ta toàn thắng. Lê Lợi lên làm vua, đặt tên nước
là Đại Việt, mở đầu cho một thời kỳ độc lập lâu dài nhất trong lịch sử
Việt Nam.
Vua Quang Trung đại phá quân Thanh:
Tổ tiên anh em
Tây Sơn họ Hồ quê ở Nghệ An. Vào khoảng các năm 1653-1657, quân nhà
Nguyễn đánh ra đàng ngoài, chiếm được 7 huyện thuộc trấn Nghệ An. Khi
rút quân về, nhà Nguyễn có mang theo nhiều người, trong đó có ông tổ của
Tây Sơn, vào lập nghiệp tại Hoài Nhơn, Bình Định. Ông tổ của Tây Sơn
đổi họ Hồ sang họ Nguyễn.
Đời chúa
Nguyễn Phúc Thuần, Trương Phúc Loan chuyên quyền, tác oai, tác quái,
lòng dân căm ghét, giặc giã khắp nơi. Anh em Tây Sơn dựng trại khởi
nghĩa, chiếm được Quy Nhơn rồi Phú Yên. Nguyễn Nhạc xưng làm Tây Sơn
Vương rồi Thái Đức Hoàng Đế, phong cho Nguyễn Huệ làm Long Nhượng Tướng
Quân rồi Bắc Bình Vương trấn thủ miền Thuận Hóa.
Năm 1786, Bắc
Bình Vương ra Thăng Long diệt Trịnh, phò Lê và lấy con gái vua Lê Hiển
Tông là Ngọc Hân công chúa.Khi vua Lê Hiển Tông mất, Bắc Bình Vương lập
Lê Chiêu Thống lên làm vua theo ý kiến của triều thần ngoài Bắc. Nguyễn
Nhạc sợ Nguyễn Huệ lấn quyền nên đích thân ra Bắc đón Nguyễn Huệ về. Sau
khi Bắc Bình Vương rút quân về thì Trịnh Bồng lại trở về và lấn áp vua
Lê như cũ. Nguyễn Huệ sai Nguyễn Hữu Chỉnh ra dẹp bỏ Trịnh Bồng nhưng
rồi Chỉnh lại chuyên quyền, lấn áp vua Lê. Bắc Bình Vương lai sai Vũ Văn
Nhậm ra dẹp Chỉnh nhưng rồi Nhậm lại theo vết xe cũ của Chỉnh. Bắc Bình
Vương lại đích thân ra Bắc giết Nhậm rồi để Ngô văn Sở, Phan Huy Ich và
Ngô Thời Nhiệm ở lại lo toan mọi việc còn ngài rút quân về miền trong
vì còn nhiều việc phải lo.
Năm 1788, vua
Lê Chiêu Thống và bà Hoàng Thái Hậu cùng một số quan lại thủ cựu chạy
sang Tàu cầu cứu vua nhà Thanh. Vua Càn Long nhà Thanh đã rình rập nước
ta từ lâu nên sai Tôn Sĩ Nghị, Sầm Nhi Đống và Hứa Thế Hanh đem 30 vạn
quân sang đánh nước ta lấy cớ là để phù Lê. Vào thời bấy giờ, quan lại
và dân chúng ngoài Bắc vẫn coi nhà Tây Sơn là đám giăc cỏ cướp nước nên
mọi người rất thờ ơ, không ai nghĩ đến việc chống giặc, thậm chí còn đón
bắt hay chỉ điểm cho quân Tàu đón bắt quân ta. Tôn Sĩ Nghị tiến quân
vào Thăng Long không chút kháng cự nên rất kiêu căng và để quân sĩ tự do
cướp bóc.
Ngô Văn Sở ở
Thăng Long, nghe lời cố vấn của Ngô Thời Nhiệm rút quân về Tam Hiệp
(ranh giới Ninh Bình và Thanh Hóa) rồi sai người về Phú Xuân cấp báo.
Ngày 22 tháng
giêng âm lịch năm 1788, Nguyễn Huệ xưng là Quang Trung Hoàng Đế rồi tự
mình thống lãnh thủy bộ đại binh ra Bắc dẹp giặc. Vua truyền cho quân sĩ
ăn tết trước rồi đến đêm trừ tịch thì cất quân đi. Ngài dùng cách cứ 3
người làm một tổ, thay nhau khiêng võng để quân sĩ đỡ mệt nhọc và di
chuyển quân nhanh hơn. Nửa đêm ngày 3 tháng giêng năm 1789, quân Tây Sơn
vây kín làng Hà Hồi, bắt hết quân giặc không cho một tên nào chạy thoát
để giữ bí mật. Sáng ngày 5 tháng giêng thì quân ta tiến đánh làng Ngọc
Hồi, giết quân Thanh thây nằm ngổn ngang. Đề Đốc Hứa Thế Hanh, tiên
phong Trương Sĩ Long và tả dực Thượng Duy Thăng đều tử trận. Sầm Nghi
Đống đóng quân ở Đống Đa (cạnh Thái Hà Âp, Hà Nội) bị vây phải thắt cổ
tự tử. Tôn Sĩ Nghị sợ quá, phải bỏ cả ấn tín, chạy thục mạng qua sông
Bắc. Quân Tàu quá khiếp sợ, ùn ùn chạy theo qua cầu, cầu sập, quân Tàu
chết kín cả sông Nhị Hà.
Vua Quang
Trung vào Thăng Long, hạ lệnh chiêu an, cấm ngặt quân tướng không được
cướp phá dân chúng. Vua còn cấp quần áo, lương thực cho đám quân Thanh
bị bắt rồi đưa về nước.Vua lại sai Ngô Thời Nhiệm viết thư sang xin hòa
với nhà Thanh để tránh việc trả thù. Tuy vậy,vua Càn Long nhà Thanh vẫn
sai Phúc An Khang đem quân sang đánh báo thù. Phúc An Khang, khi đến
Quảng Tây, nghe tiếng quân Nam dũng mãnh quá nên sợ. Vua Quang Trung còn
sai người đút lót cho Hòa Thân nhà Thanh nói giúp. Cuối cùng, vua nhà
Thanh thấy đánh cũng bất lợi nên đồng ý cho hòa.
Vua Quang
Trung chỉ một trận đã anh dũng phá tan 20 vạn hùng binh của quân Thanh,
tưởng chưa có một chiến công nào lẫy lừng như thế từ xưa đến nay.
Vua Quang
Trung cầu hòa với nhà Thanh cố ý để có thời gian xây dựng lại đất nước,
tích trữ lương thảo, tổ chức một quân đội thật hùng mạnh, chờ dịp đem
quân đánh nước Tàu. Vua còn dùng giặc Tàu Ô quấy nhiễu miền biên giới
Tàu, thu dùng các người thuộc đảng Thiên Địa Hội, một đảng phù nhà Minh,
chống nhà Thanh.
Năm 1792, để
thử lòng vua Càn Long, vua Quang Trung sai sứ sang Tàu, xin cầu hôn với
công chúa nhà Thanh và đòi lại đất Lưỡng Quảng cho Việt Nam. Hận thay,
mộng chưa thành, vua Quang Trung thình lình băng hà, lúc đó mới 40 tuổi.
Các quan dìm việc cầu hôn và đòi đất, không cho nhà Thanh biết. Vua
Quang Trung mất sớm, thật là một mất mát to lớn cho dân tộc Việt Nam.
Nhìn lại
lịch sử, chúng ta nhận thấy là nước Tàu cậy to lớn, luôn luôn rình rập
chờ cơ hội để xâm lấn nước ta. Khi nào họ thấy nước mình yếu kém là họ
thừa cơ lấn đất, xâm lăng.
Có một số
người dân ta vì lòng ích kỷ, đặt quyền lợi cá nhân, phe phái trên quyền
lợi dân tộc, tổ quốc nên đã mù quáng không cảnh giác, lại còn cầu cứu
giặc đến cướp phá nước ta.
Một số quan
lại trí thức thì hủ lậu, chỉ biết nhắm mắt theo sách vở học được của
Tàu, khư khư phò một dòng vua dù các vua đó hèn kém, chỉ biết ăn chơi,
phá hoại công quỹ, đầy ải nhân dân. Dân ta chỉ khi nào bị đầy ải cướp
bóc, không còn lối thoát thì mới biết đoàn kết đứng lên chống giặc. Đến
khi đó thì nước đã mất, nhà đã tan, cửa đã nát, tài nguyên quốc gia
đã kiệt quệ !
Thứ Tư, ngày 04 tháng 6 năm 2014
LỊCH SỬ ĐƯỜNG NGUYỄN HUỆ SÀI-GÒN
LIC̣H SỬ ĐƯỜNG NGUYỄN HUỆ SÀI-GÒN
Khắc Huy tổng hợp và biên soạn
Nếu làm một cuộc viễn du về quá khứ, chúng ta sẽ khám phá được rất nhiều điều thú vị và bất ngờ trong lịch sử hình thành con đường này.
Khắc Huy tổng hợp và biên soạn
Nếu làm một cuộc viễn du về quá khứ, chúng ta sẽ khám phá được rất nhiều điều thú vị và bất ngờ trong lịch sử hình thành con đường này.
Khởi thủy đường Nguyễn Huệ là một con
kênh dẫn vào thành Gia Định (còn gọi Thành Bát Quái 1790-1835). Người
Pháp gọi là Kênh Grand, người Việt gọi là Kênh Chợ Vải.
Dọc bờ kênh là một con đường được người Pháp đặt tên là đường Charner
(đường bên phải trong ảnh) hay một tên gọi khác là đường Quảng Đông (Rue
de Canton) bởi đa số người Hoa làm nghề buôn bán ở đây đều là người
Quảng Đông. Phía đối diện bờ kênh là đường Rigault de Genouilly.
Ảnh này chụp cuối Kênh Chợ Vải, chúng ta có thể thấy có 1 cây cầu để nối hai bờ kênh, xa xa là Bến Nhà Rồng.
Bên phía đường Canton chúng ta có thể thấy một ngôi chợ. Chợ đã hình
thành từ trước khi người Pháp chiếm Sài Gòn, nằm cạnh bến sông gần thành
Gia Định (bấy giờ là thành Quy, còn gọi là thành Bát Quái). Bến này
dùng để cho hành khách vãng lai và quân nhân vào thành nên mới có tên
gọi là Bến Thành và khu chợ cũng có tên gọi là chợ Bến Thành.
Vào năm 1887, người Pháp cho lấp con kênh và sát nhập hai con đường ở
hai bờ lại làm một thành ra đại lộ Charner. Dân bản xứ gọi nôm là đường
Kinh Lấp. Trong ảnh, chúng ta thấy cha ông đang trải nhựa cho con đường
mới hết sức cực nhọc bằng phương tiện thủ công.
Chợ Bến Thành cũ, hướng nhìn ra đường Kinh Lấp - Charner.
Phía trước mặt chợ Bến Thành cũ nhìn ra đường Kinh Lấp - Charner. Có thể
đoán ảnh này được chụp khoảng năm 1909-1914 vì ở phía xa ta đã thấy tòa
nhà Dinh Xã Tây - nay là UBND TPHCM. Năm 1914, chợ không còn nằm ở vị
trí này.
Con đường bên hông chợ Bến Thành cũ, nay là đường Ngô Đức Kế (?). Chợ
được dời về vị trí hiện nay vào năm 1914. Vị trí chợ cũ nay là tòa nhà
Bitexco và kho bạc.
Ít ai ngờ rằng vị trí tháp đồng hồ trước cao ốc Sunwah trên đường Nguyễn Huệ ngày nay từng là pháp trường của người Pháp.
Đại lộ Charner - Kinh Lấp nhìn về hướng sông Sài Gòn, tòa nhà ta thấy bên phải ngày nay vẫn còn, đó chính là thương xá Tax.
Công viên nhỏ rất đẹp trước dinh Xã Tây (nay là UBND TPHCM) vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
Một hướng nhìn khác của Đại lộ Charner về phía Dinh Xã Tây. Tiếc là công viên nhỏ ở trong hình ngày nay đã không còn nữa.
Vào thập niên 50, Đại Lộ Charner - Nguyễn Huệ là một trong những con
đường đẹp nhất của Hòn Ngọc Viễn Đông - Sài Gòn. Trên không ảnh, chúng
ta có thể thấy đàng xa là hai tháp chuông của nhà thờ Đức Bà.
Trước năm 1975, trong chế độ cũ, đại lộ Nguyễn Huệ thật sầm uất và đầy màu sắc.
Trải qua hơn 200 năm hình thành và phát triển, đại lộ Nguyễn Huệ đã biến
đổi từng bước theo thời cuộc và cho đến ngày nay, nó vẫn là con đường
đẹp bậc nhất của Sài Gòn hoa lệ.
Chủ Nhật, ngày 18 tháng 5 năm 2014
LỜI DI CHÚC CỦA TIỀN NHÂN
LỜI DI CHÚC CỦA TIỀN NHÂN
Sưu tầm
Sưu tầm
Lởi nói của Tiền Nhân vẫn còn giá trị cho đến ngày hôm nay và mãi mãi ,,,
Chúng ta phải nhớ rằng bọn giặc phương Bắc là mối thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam.
LỜI DI CHÚC CỦA TIỀN NHÂN:
VUA TRẦN NHÂN TÔNG
Các Người chớ quên!
Nghe lời Ta dạy
Chính nước lớn
Làm những điều bậy bạ
TRÁI ĐẠO LÀM NGƯỜI
Bất nghĩa bất nhân
Ỷ nước lớn
Tự cho mình cái quyền ăn nói!
Nói một đường làm một nẻo! Vô luân!
Chớ xem thường chuyện nhỏ ngoài biên ải.
Chuyện vụn vặt thành lớn chuyện: NGOẠI XÂM!
Họa Trung Hoa!
Tự lâu đời truyền kiếp!
Kiếm cớ này bày chuyện nọ! TÀ MA!
Không tôn trọng biên cương theo quy ước
Tranh chấp hoài! Không thôn tính được ta
Chúng gậm nhấm Sơn Hà và Hải Đảo
Chớ xem thường chuyện vụn vặt Chí Nguy!
Gặm nhấm dần
Giang Sơn ta nhỏ lại
Tổ ĐẠI BÀNG thành cái tổ chim di
Các việc trên khiến Ta đây nghĩ tới
Canh cánh bên lòng “ĐẠI SỰ QUỐC GIA”!
Chúng kiếm cớ xua quân qua ĐẠI VIỆT
Biến nước ta thành quận huyện Trung Hoa!
VẬY NÊN
CÁC NGƯỜI PHẢI NHỚ LỜI TA DẶN
KHÔNG ĐỂ MẤT
MỘT TẤC ĐẤT CỦA TIỀN NHÂN ĐỂ LẠI
HÃY ĐỀ PHÒNG
QUÂN ĐẠI HÁN TRUNG HOA!
LỜI NHẮN NHỦ
CŨNG LÀ LỜI DI CHÚC
CHO MUÔN ĐỜI CON CHÁU NƯỚC NAM TA.
VUA LÊ THÁNH TÔNG
“Nếu các ngươi đem một thước sông, một tấc đất của Thái Tổ làm mồi cho giặc thì phải tội tru di”.
***
HOÀNG SA, TRƯỜNG SA, QUẦN ĐẢO QUÊ TA
Sáng tác: Trần Chí Phúc - Trình bày: Ban Hợp Ca vùng Hoa Thịnh Đốn
|
No comments:
Post a Comment