Sunday, February 08, 2015

ÔNG NGOẠI TÔI

ÔNG NGOẠI TÔI
Lê thị Sương




Ông ngoại tôi là cụ Phan Châu Trinh, mất lúc tôi chưa ra đời. Tôi không có diễm phúc trông thấy ông ngoại tôi nhưng tôi thường nghe mẹ tôi, bà Phan thị Châu Liên, kể về ông ngoại tôi:
Vì sớm mồ côi mẹ và cha thì bận việc công nên đến năm 10 tuổi, ông ngoại tôi mới bắt đầu cắp sách đến trường. Tuy nhiên, chỉ có vài ba năm sau, ông ngoại tôi đã phải bỏ dở việc học chữ vì không ưa lối học từ chương trích cú và chú tâm vào việc học võ. Kế đến, cha là ông Phan văn Bình bị nghĩa quân Cần Vương giết lầm nên cửa nhà trở nên sa sút.
Sau đó, nhờ người anh cả là ông Phan văn Cừ đỡ đầu và nuôi cho ăn học tiếp. Với tư chất thông minh và hiếu học, ông ngoại tôi đã thi đậu Cử nhân rồi Phó bảng và được bổ làm Thừa biện bộ Lễ trong triều đình nhà Nguyễn. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, ông ngoại tôi đã nhận thấy sự thối nát của quan lại Nam triều và chính sách hà khắc của thực dân Pháp nên cương quyết từ quan và dấn thân vào con đường hoạt động cách mạng cứu dân, cứu nước, công khai chống bọn quan lại tay sai Nam triều và chính quyền thực dân. Ông ngoại tôi rất hiên ngang, khẳng khái và thẳng thắn chống đối mọi bất bình đẳng cá nhân và tiến tới chống mọi bất công xã hội.
Khác với các nhà cách mạng cùng thời, ông ngoại tôi quan niệm là dân trí nước ta còn thấp, chưa đủ thực lực để lật đổ ách thống trị của một chính quyền dùng sức mạnh bằng súng đạn và lưỡi lê, nếu bạo động thì chỉ gây đổ máu vô ích. Ông muốn dựa vào Pháp để đánh đổ chế độ quân chủ chuyên chế mà xây dựng nền dân quyền. Ông ngoại tôi cùng với các ông Trần quý Cáp và Huỳnh thúc Kháng khởi xướng phong trào duy tân với phương châm hành động là “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”. Nhiều sĩ phu yêu nước từ Nam chí Bắc đã hưởng ứng phong trào này. Ông cho dân trí là quyết định hàng đầu. Dân trí có mở mang và toàn dân có một tri thức mới thì sẽ làm được mọi việc lớn lao cho đất nước. Ông viết báo và đi diễn thuyết ở nhiều nơi để cổ động tân học và truyền bá tư tưởng thực học nhằm phục vụ xã hội. Ông hô hào mở trường dạy chữ quốc ngữ, khuyến khích nhân dân học hỏi về mọi lĩnh vực, đón nhận các nền văn hóa tân tiến để góp phần phát triển đất nước. Từ sự mở mang tri thức, người dân sẽ tự ý thức về quyền lợi và trách nhiệm của mình. Hàng trăm ngôi trường dạy chữ quốc ngữ mọc lên ở khắp các làng xóm trong tỉnh Quảng Nam do những người hưởng ứng phong trào duy tân đứng ra tổ chức. Đặc biệt ở làng Phú Lâm có ông lý trưởng Lê Cơ là anh em cô cậu ruột với ông ngoại tôi, đứng ra cải tổ việc làng, mở trường học, rước thầy về dạy chữ quốc ngữ cho trẻ nhỏ trong làng và lập trường nữ học đầu tiên ở Quảng Nam. Ông ngoại tôi ra Bắc gặp các nhân sĩ Lương văn Can, Nguyễn Quyền ... cùng thành lập trường Đông kinh nghĩa thục ở Hà Nội, vào Nam mở trường Dục Thanh ở Phan Thiết. Chương trình học mới mẻ gồm có văn chương, toán học, khoa học tự nhiên, kinh tế học, xã hội học, tiếng Pháp, tiếng Nhật, quân sự đi đôi với nếp sống mới như cắt tóc ngắn, mặc đồ tây gọn gàng, đưa chữ quốc ngữ vào sử dụng v.v... Về dân sinh, ông ngoại tôi chủ trương dạy dân cách buôn bán, mở các hội buôn, làm tiểu thủ công, lập nông hội v.v... theo kiểu Tây phương. Lúc bấy giờ, phong trào duy tân lập được 3 thương hội ở Hội An, Phong Thử và Phú Lâm cùng 3 nông hội lớn ở Yến Nê, Mỹ Sơn và Bửu Sơn. Cùng với việc lập trường Dục Thanh, một công ty thương nghiệp có tên là Liên Thành ở Phan Thiết cũng được thành lập để lấy lời nuôi học sinh ăn học.
Phong trào học tập này đã lan rộng khắp nơi và nâng cao ý thức nhân dân nên đã dấy lên sức mạnh đấu tranh làm bùng nổ cuộc dân biến ở Quảng Nam rồi lan rộng khắp Trung kỳ trong năm 1908. Mặc dù nhân dân tự nổi dậy đi biểu tình chống đi phu và sưu thuế, không có sự lãnh đạo trực tiếp của những người đứng đầu phong trào duy tân và lúc đó, ông ngoại tôi đang ở Hà Nội mà bọn mật thám Pháp vẫn bắt giải về Huế và bị bọn tay sai Nam triều kết tội “mưu làm giặc mà chưa làm, xử tử, đày Côn Lôn, gặp ân xá cũng không tha” rồi đày ông ngoại tôi cùng các đồng chí ra Côn đảo.
Trong thời gian ông ngoại tôi bị lưu đày ở đảo Côn Lôn, nhờ Hội Nhân quyền và Dân quyền ở Paris đấu tranh và can thiệp mạnh mẽ với chính quyền Pháp nên đến cuối năm 1911, ông ngoại tôi được trả tự do. Nhưng trên thực tế, sau khi ra khỏi Côn Lôn, ông ngoại tôi bị an trí ở Mỹ Tho dưới sự kiểm soát chặt chẽ của tên Tỉnh trưởng người Pháp. Do đó, ông ngoại tôi cực lực phản đối bằng cách viết thư gởi chính phủ Pháp yêu cầu hoặc trả ông lại Côn Lôn hoặc để ông tự do sang Pháp. Thực dân Pháp thấy đây là cơ hội tốt để “đày khéo” ông ngoại tôi nên họ bằng lòng cho ông ngoại tôi xuất ngoại với cậu cả của tôi là ông Phan Châu Dật. Cậu cả của tôi được theo học tại một trường Trung học Pháp, đậu bằng Tú Tài thì bị bệnh lao không chữa khỏi nên phải trở về nước và mất năm 1921.
Ông ngoại tôi tin tưởng ở Pháp có một lực lượng tiến bộ, có thể vận động để tạo sức ép cho cải cách ở Đông Dương và cấp bách là trực tiếp vận động giải thoát các nhà lãnh đạo phong trào yêu nước đang bị giam cầm.
Trong thời gian ở Pháp, ông ngoại tôi không ngừng đi diễn thuyết và viết sách báo tranh đấu cho quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam, tố cáo những sự tham ô, nhũng lạm của quan lại Nam triều và sự hà hiếp, đàn áp, bóc lột của thực dân Pháp làm cho nhân dân ta bần cùng, khốn khổ.
Ông ngoại tôi còn gởi thư kể tội vua Khải Định khi ông vua này qua Pháp dự đấu xảo. Ông còn gia nhập Hội Nhân Quyền Pháp, tiếp xúc với các kiều bào làm ăn ở Pháp và mọi thành phần xã hội khác, kể cả việc làm quen với các sĩ quan Pháp cùng các quan chức cao cấp trong Bộ Thuộc Địa để dễ bề hoạt động hợp pháp. Chính vì những điều này mà ông ngoại tôi bị các nhà chính trị đương thời, kể cả các ông Phan Văn Trường và Nguyễn An Ninh là các đồng chí cùng hoạt động ở Pháp, đều chỉ trích ông ngoại tôi là thỏa hiệp với thực dân Pháp và chủ trương “Pháp Việt đề huề”. Thật ra, đây chỉ là một chiến thuật cách mạng “ỷ Pháp cầu tiến bộ” chứ trước sau gì, ông ngoại tôi cũng là người tận trung với nước, công khai tranh đấu ôn hòa nhưng quyết liệt trong khuôn khổ hợp pháp để chống lại chế độ quân chủ, xây dựng chế độ dân chủ và giành lại độc lập cho nước nhà. Tuy tin tưởng vào lý tưởng “Tự Do, Bình Đẳng, Bác Ái” của một số người có tinh thần xã hội trong chính giới Pháp, ông ngoại tôi cũng thấy họ vẫn đặt quyền lợi của họ lên trên hết chứ đâu có nghĩ đến sự sống còn của dân tộc Việt Nam chúng ta. Như thế, không thể có sự thỏa hiệp với Pháp để gây thiệt hại cho dân tộc ta.
Ông ngoại tôi không chấp nhận phương thức cải cách trong một xã hội phong kiến cũ mà phải đưa người dân lên địa vị làm chủ, cai quản đất nước. Muốn được vậy thì phải bất bạo động, dựa vào Pháp để cầu tiến và khéo léo tỏ ra khoan hòa hầu tranh thủ được thiện cảm của những người trong giới cầm quyền Pháp.
Về điểm này cũng có sự bất đồng giữa nhà cách mạng Phan Bội Châu vẫn còn chí hướng tôn quân với ông ngoại tôi là người đầu tiên đề xướng thuyết dân quyền. Không riêng gì cụ Phan Bội Châu mà một số sĩ phu chủ trương đấu tranh bằng vũ lực cũng bất đồng ý kiến với ông ngoại tôi.
Khi chiến tranh Pháp Đức bùng nổ, bọn thực dân Pháp vu cáo ông ngoại tôi làm gián điệp để bắt giam trong nhà lao Santé và cũng nhờ sự can thiệp của Hội Nhân Quyền Pháp mà ông ngoại tôi được tha sau gần 10 tháng giam cầm.
Ngoài việc đi diễn thuyết, ông ngoại tôi còn làm thơ, viết văn rất nhiều mà các di cảo được cha mẹ tôi lưu giữ cho đến ngày nay. Các tác phẩm của ông gồm có: Đầu Pháp chính phủ thư, Tỉnh quốc hồn ca, Tuồng Trưng Nữ Vương bình ngũ lãnh, Đại Việt sử ký toàn thư, Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam, Đông Dương chính trị luận, Trung kỳ dân biến thỉ mạt ký, Giai nhân kỳ ngộ diễn ca, Tây Hồ và Santé thi tập v.v...
Suốt trong thời gian làm quan cũng như hoạt động cách mạng, ông ngoại tôi thường vắng nhà nên bà ngoại tôi phải quán xuyến việc nhà cũng như việc đồng áng và lo nuôi dạy hai con thơ là mẹ tôi và dì Phan thị Châu Lan. Ở quê nhà, bà ngoại tôi sống vất vả và thiếu thốn nên mất sớm vào năm 34 tuổi (1914), không gặp được ông ngoại tôi và cậu cả một lần cuối. Từ lúc đó, mẹ và dì của tôi phải nương náu nơi một người cô họ là bà Lê thị Vinh ở làng Phú Lâm thuộc huyện Tiên Phước tỉnh Quảng Nam.
Sau 14 năm sống ở Pháp, ông ngoại tôi quyết định xin về nước để tiếp tục hoạt động theo đường hướng riêng của mình hòng thức tỉnh dân khí cả nước đồng tâm hiệp lực đạp đổ cường quyền áp chế. Nhưng rủi thay, chẳng bao lâu, ông ngoại tôi lâm trọng bệnh và phải tá túc tại nhà cụ Nguyễn An Cư là chú ruột của ông Nguyễn An Ninh ở Hóc Môn cho đến khi trút hơi thở cuối cùng vào ngày 24 tháng 3 năm 1926, thọ 54 tuổi. Trong thời gian này, cha mẹ tôi và dì dượng tôi đều vào thăm nom, săn sóc rồi dự tang lễ của ông ngoại tôi.
Mẹ tôi kể lại rằng đám tang ông ngoại tôi lớn lắm: linh cửu được quàn tại một khách sạn ở Sài Gòn trong 8 ngày đêm, có nhiều nhân vật danh tiếng và đại diện các giới đồng bào đến phúng điếu và đọc điếu văn, hàng vạn đồng bào khắp cả nước bãi khóa, đình công, bãi thị để phục tang và tiễn đưa ông ngoại tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Gò Công Tương Tế gần sân bay Tân Sơn Nhất. Điều đặc biệt là đoàn người tiễn đưa dài hàng mấy cây số theo sau quan tài đã trương những câu liễn đối điếu tang và biểu ngữ như đi biểu tình tuần hành để tỏ lòng kính trọng và tiếc thương một chí sĩ cách mạng yêu nước nhưng bọn thực dân Pháp vẫn để yên chứ không ngăn cản hoặc khủng bố theo kiểu của các chính quyền độc tài gian ác. Thực dân Pháp đã khôn khéo không cấm đoán gì trong đám tang để tránh dư luận phê phán nhưng sau tang lễ, chúng mới ra lệnh đuổi học, đuổi việc hoặc bắt bớ những người đi đưa đám tang.
Có một điều còn trong vòng bí ẩn là hành lý của ông ngoai tôi mang về nước lúc đó bị xét rất kỹ nhưng không biết ai đã cất giấu và chuyển tải về giùm các tư liệu quý báu gồm cả các bản thảo.
Chính do những hoạt động kể trên mà ông ngoại tôi đã được chính giới Pháp đánh giá là một lãnh tụ chính trị xuất chúng, một trí thức cao cấp tiêu biểu cho văn hóa phương Đông. Hơn nữa, ông đã đưa ra một học thuyết mới, không cực đoan, tránh đổ máu, giúp họ dung hòa được quyền lợi của Pháp ở Đông Dương và lý tưởng tự do bác ái của cách mạng Pháp.
Cuộc cách mạng dân quyền bất bạo động do ông ngoại tôi khởi xướng còn dở dang vì ông ngoại tôi mất quá sớm và phong trào duy tân bị dập tắt. Do những éo le của thời cuộc, lịch sử đã không đi theo con đường mà ông đã sáng suốt lựa chọn, các thế hệ sau này đã phải dùng bạo lực cách mạng để giành độc lập nên đã hy sinh quá nhiều thời gian và xương máu.
Con đường đi tìm tự do và dân chủ cho dân tộc Việt Nam thật là cam go và cho đến nay, vẫn còn cứ tiếp diễn không biết đến bao giờ!

No comments: