CHIẾN THUẬT HẠ THÀNH NGỌC HỒI CỦA QUÂN TÂY SƠN
Nguyễn Văn Nghệ
Chiến thắng Ngọc Hồi vào ngày mùng 5 Tết năm Kỷ Dậu (1789) được sử sách ghi lại có sự khác biệt nhất định.
- Hoàng Lê nhất thống chí
Tác
phẩm Hoàng Lê nhất thống chí đã mô tả lại chiến thuật đánh chiếm thành
Ngọc Hồi của quân Tây Sơn: “ Vua Quang Trung lại truyền lấy 60 tấm ván,
cứ ghép liền 3 tấm thành một bức, bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín,
tất cả là 20 bức. Đoạn kén hạng lính khỏe mạnh, cứ 10 người khiêng một
bức, lưng dắt con dao ngắn, 20 người khác đều cầm binh khí theo sau, dàn
thành trận chữ “nhất”. Vua Quang Trung cưỡi voi đi đốc thúc,
mờ sáng ngày mồng 5 tiến sát đồn Ngọc Hồi. Quân Thanh nổ súng bắn ra
chẳng trúng người nào cả. Nhân có gió bắc quân Thanh liền dùng ống phun
khói lửa ra, khói tỏa mù trời, cách gang tấc không thấy gì, hòng làm cho
quân Nam rối loạn, không ngờ trong chốc lát, trời bổng trở gió nam,
thành ra quân Thanh tự làm hại mình.
Vua
Quang Trung liền gấp rút sai đội khiêng ván vừa che vừa xông thẳng lên
trước. Khi gươm giáo của hai bên đã chạm nhau thì quẳng ván xuống đất,
ai nấy đều cầm giáo ngắn chém bừa, những người cầm binh khí theo sau
cũng nhất tề xông tới mà đánh.
Quân Thanh chống không nổi, bỏ chạy tán loạn, giày xéo lên nhau mà chết”. (1)
– Khâm định Việt sử thông giám cương mục
Chiến
thuật đánh chiếm thành Ngọc Hồi được sách Khâm định Việt sử thông giám
cương mục do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn thì chép khác: “Hồi trống
canh năm sớm hôm sau (mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Dậu[1789]- TG), Văn Huệ
xắn tay áo đứng dậy, đốc thúc bản bộ lùa quân rầm rộ tiến lên. Chính Văn
Huệ tự mình đốc chiến, cho hơn trăm voi khỏe đi trước. Tờ mờ sáng, quân
Thanh lùa toán quân kỵ tinh nhuệ ồ ạt tiến. Chợt thấy bầy voi, ngựa
quân Thanh đều sợ hãi, hí lên, té chạy, lồng lộn quay về chà đạp lẫn
nhau. Giặc (2) lại lùa voi xông đến: quân Thanh trong cơn gấp
rút, không cứu nhau được, ai nấy rút vào trong lũy để cố thủ. Bốn mặt
đồn lũy quân Thanh đều cắm chông sắt, súng và tên bắn ra như mưa. Giặc
dùng những bó rơm to lớn để che chở mà lăn xả vào, rồi quân tinh nhuệ
tiến theo sau. Kẻ trước ngã, người sau nối, thảy đều trổ sức liều chết
mà chiến đấu. Các lũy quân Thanh đồng thời tan vỡ và quân Thanh đều
chạy” (3)
Do
Quốc sử quán triều Nguyễn khi chép về nguồn gốc, hành trạng của triều
đại Tây Sơn thường dùng nhiều luận điệu phỉ báng và cả vu cáo nữa, nên
các nhà nghiên cứu sử sau này (4) khi viết về chiến thuật hạ
thành Ngọc Hồi của quân Tây Sơn chỉ dùng sử liệu của Hoàng Lê nhất thống
chí :Cứ 10 người khiêng một bức ván “bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ
kín” mà không hề dùng sử liệu “ dùng những bó rơm to lớn để che chở mà
lăn xả vào” của Khâm định Việt sử thông giám cương mục.
Riêng
tác giả Phan Khôi viết trên Dân Báo ở Sài Gòn , ngày 14 Fevrier 1940
(14.02.1940) như sau : “Tảng sáng ngày mồng 5 , quân tới sát bên đồn
Ngọc Hồi. Trên đồn đạn bắn xuống như mưa. Vua Quang Trung khiến mỗi
người lính mang một miếng ván xông vào, còn ngài thì cỡi voi ở đằng sau
giục tới. Cửa đồn bị vỡ, ai nấy đều ném miếng ván xuống đất, cầm dao
chặt tứ tung. Quân Tàu không chống lại được,bỏ chạy (5).
Đại
đa số các tư liệu đều ghi: Cứ 10 người khiêng một bức ván, riêng tác
giả Phan Khôi không biết dựa vào tư liệu nào mà nêu ra : “Khiến mỗi
người lính mang một miếng ván xông vào”?
- Thanh thực lục.
Gần
đây ông Hồ Bạch Thảo đã bỏ nhiều công sức đọc bộ Thanh thực lục (4433
quyển) bằng chữ Hán ở Thư viện Trường Đại học Princeton để trích ra
những đạo dụ có liên quan đến nước ta. Trong đó có đoạn của sử thần nhà
Thanh tường thuật lại chiến thuật mà quân Tây Sơn đã hạ thành Ngọc Hồi :
“Quân Thanh đại bại, Tôn Sĩ Nghị mang tàn quân chạy về Bắc” : “ Vào
canh năm ngày này[mùng 5] Nguyễn Văn Huệ mang đại binh tiến đánh, thân
tự đốc chiến, dùng 100 thớt voi khỏe làm tiên phong. Rạng sáng quân
Thanh cho kỵ binh nghênh địch, ngựa bị voi quần kinh hãi bỏ chạy, quân
rút lui vào trại cố thủ. Phía ngoài trại, lũy đầy chông sắt, bên trong
bắn súng ra cự địch. Vào giờ ngọ quân Nguyễn bắn hỏa tiễn, hỏa châu tới
tấp, lại dùng rạ bó to lăn mà tiến đều, khinh binh theo sau (Ngọ thời ,Nguyễn quân loạn phóng hỏa tiễn, hỏa châu, tịnh dĩ hòa cán tác đại thúc, loạn cổn nhi tiền, khinh binh tùy chi) trước
sau tiến lên một lòng quyết chiến, tại các trại quân Thanh đồng thời
tan vỡ, quân Nguyễn thừa thắng chém giết, quân Thanh tử thương quá nửa” (6).
Như
vậy việc ghi chép chiến thuật trận đánh đồn Ngọc Hồi của Quốc sử quán
triều Nguyễn trùng khớp với sử liệu chép trong bộ Thanh thực lục của
Trung Quốc.
Hai
sử liệu này đều xác nhận vua Quang Trung dùng voi chống lại kỵ binh của
quân Thanh. Sau đó dùng rạ bó thành bó lớn lăn mà tiến đều (tịnh dĩ hòa cán tác đại thúc loạn cổn nhi tiền) mà không hề nhắc đến sự kiện cứ 10 người khiêng một bức ván “bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín”.
- Ý kiến của ông Hồ Bạch Thảo
Ông
Hồ Bạch Thảo không chấp nhận chiến thuật : Cứ 10 người khiêng một bức
ván bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín như Hoàng Lê nhất thống chí. Vì
theo ông:
Những
người có chút kiến thức sơ đẳng về quân sự đều biết rằng đoàn quân dàn
trận hình chữ “nhất” rầm rộ tiến vào, mà “quân Thanh nổ súng bắn ra
chẳng trúng người nào cả” là một việc khó có thể xảy ra.
Cứ
10 người khiêng một bức, cho dùng đồn giặc bằng phẳng như một sân bóng
(mà thực tế không có như vậy) cũng phải nhấc tấm ván lên khỏi mặt đất
vài chục phân mới di chuyển được, trong khi đó giặc được trang bị đầy đủ
súng điểu thương, ống phun lửa, cứ nhắm chân mà bắn , ắt có người phải
bị thương, ngã xuống không khiêng được. Một bức ván với 30 quân sĩ (kể
cả 20 quân tháp tùng) đã gặp khó khăn như vậy, thì toàn bộ 20 bức ván
gặp khó khăn đến dường nào và làm sao có thể xung phong mạnh mẽ chế ngự
đồn giặc được!
Ông Hồ Bạch Thảo chỉ chấp nhận chiến thuật “dùng rạ bó to lăn tiến đều” và ông cho đây là sáng kiến tuyệt diệu. Vì theo ông:
Khi triển khai đội hình hàng ngang, những bó rạ được lăn đều, nhanh chậm tùy theo hiệu lệnh của cấp chỉ huy.
Nếu
rạ bó lớn được nhúng nước, có khả năng ngăn đạn nhỏ của súng điểu
thương, là loại súng quân Thanh được trang bị. Quân ta khom lưng tiến
sau bó rạ tương đối an toàn, cho dù phía quân Thanh nổ súng nhưng hàng
trăm bó rạ tạo thành bức tường di động vẫn lăn đều lên. Ngoài việc lăn
bó rạ, phía quân Quang Trung còn có khả năng bắn phủ đầu đối phương (7).
Theo
tôi (Nguyễn Văn Nghệ) : “dùng rạ bó to lăn mà tiến đều” mà thôi thì khó
có thể thực hiện được. Bởi vì rơm rạ mà bó thành bó tròn to để có thể
có nhiều “quân tinh nhuệ tiến theo sau” mà lại có dấp nước để khỏi bị
bốc cháy khi gặp đạn hoặc lửa thì sẽ nặng nề khó di chuyển được trên một
địa hình phức tạp được (việc làm này chúng ta có thể thử nghiệm và sẽ
biết được kết quả).
– Việt sử cương mục tiết yếu
Trong
tác phẩm Việt sử cương mục tiết yếu của nhà sử học Đặng Xuân Bảng
(1828-1910) khi đề cập đến chiến thuật hạ thành Ngọc Hồi của quân Tây
Sơn gồm có cả chiến thuật được đề cập trong Hoàng Lê nhất thống chí và
Khâm định Việt sử thông giám cương mục:
Sau khi chiếm xong thành Hà Hồi: “ Văn Huệ sai lấy cọng rơm bện thành búi lớn, lấy ván gỗ, dùng búi rơm tẩm nước phủ lên” (8) (Văn Huệ sai thủ hòa cán tác đại thúc hoặc thủ mộc bản[?] (9) tẩm thủy mông chi) (10).
Ngày mùng 5, kỵ binh quân Thanh hoảng sợ trước bầy voi của vua Quang Trung, nên lùi vào trong lũy cố thủ, thì “ giặc (11) cứ
10 người khiêng 1 tấm ván , lưng thắt dao găm, xông bừa vào trận, hoặc
dùng búi rơm to lăn bừa vào, quân mạnh theo sau, người trước ngã , người
sau tiến. Khi binh khí hai bên chạm nhau thì quăng ván xuống đất, ai
nấy cầm dao ngắn chém bừa. Quân Thanh không chống nổi vỡ chạy”(12) (Tặc
dĩ thập nhân đài mộc bản, bối phụ đoản đao xung trận hoặc dĩ hòa cán
đại thúc loạn cổn nhi tiền, khinh binh tùy chi. Tiền phẫn hậu kế, binh
giao trịch bản ư địa, các chấp đoản đao loạn trảm. Thanh binh bất năng
chi, hội tẩu ) (13).
Theo
tôi (Nguyễn Văn Nghệ), sử liệu của nhà sử học Đặng Xuân Bảng chưa có
tính thuyết phục cho lắm ,vì những người khiêng ván “xông bừa vào trận”
và búi rơm to cũng “lăn bừa vào” có nghĩa là ván đi đường ván, rơm đi
đường rơm, không có sự hợp đồng chặt chẽ sẽ khó thành công.
Để
cho chiến thuật đánh chiếm đồn Ngọc Hồi có tính thuyết phục mạnh mẽ là
đội quân khiêng những tấm ván và những bó rạ lăn đều phải có sự phối hợp
chặt chẽ:
Đi
tiên phong là những bó rơm rạ bó tròn có dấp nước (để trúng đạn không
bị bốc cháy) có kích cỡ dễ lăn đi phía trước tạo thành bức tường di động
(Bó rơm rạ bó tròn phải có kích cỡ đường kính gần 2 mét, để những người
lăn nó có thể núp tên đạn an toàn. Bó rơm rạ đường kính gần 2 mét mà có
dấp nước thì rất nặng, cho nên có thể bên trong bó rơm rạ ấy là một
khung sườn hình cầu bằng tre ,bên ngoài khung sườn bó những búi rơm rạ
dấp nước xung quanh như vậy mới dễ lăn tròn), kế đến là toán quân nhấc
20 bức ván lên cao tạo thành những lá chắn vĩ đại đi liền theo sau những
bó rơm di động( Những bó rơm là những lá chắn để quân Thanh không thể
bắn vào chân toán quân khiêng 20 bức ván). Theo sau 20 bức ván là toán
quân tinh nhuệ. Bên ngoài , quân Tây Sơn bắn hỏa tiển , hỏa châu tới tấp
vào đồn, tạo thành thế trận “tiền pháo ,hậu xung”. Có như vậy quân Tây
Sơn mới có thể áp sát và chiếm thành Ngọc Hồi một cách dễ dàng
Chiến
thắng Ngọc Hồi đã diễn ra cách nay 225 năm (1789-2014), ấy vậy mà chiến
thuật đánh chiếm đồn Ngọc Hồi của quân Tây Sơn chưa có sự thống nhất,
mỗi sách nói mỗi khác .Lịch sử là một bộ môn khoa học, cần được nghiên
cứu trắc nghiệm một cách khoa học không thiên kiến. Nước ta có Viện Lịch
sử Quân sự và Viện này có thể tái hiện các chiến thuật được nêu trên
nhằm làm sáng tỏ hơn khả năng đánh giặc mưu lược và đầy sáng tạo của ông
cha ta.
Nguyễn Văn Nghệ
Tổ dân phố Phú Lộc Tây I – Thị trấn Diên Khánh – Khánh Hòa
Chú thích:
- -Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí ( Bản dịch Nguyễn Đức Vân – Kiều Thu Hoạch) ,Nxb Văn học, Hà Nội, 2002, trg 377.
2;11 – Quốc sử quán triều Nguyễn và nhà sử học Đặng Xuân Bảng gọi quân của vua Quang Trung là “Giặc”.
3– Quốc sử quán triều Nguyễn, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, tập II, Nxb Giáo dục, 1998, trg 846 – 847.
4- Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, Nxb Văn hóa Thông tin, 1999,trg 399.
– Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên, quyển III, Nxb Sài Gòn, 1959, trg 433.
– Trương Hữu Quýnh (Chủ biên), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập I, Nxb Giáo dục, 1998, trg 425.
– Nguyễn Phan Quang, “Trong phong trào Tây Sơn và anh hùng dân tộc Quang Trung”. In chung trong tác phẩm Một số công trình lịch sử Việt Nam, Nxb Thanh Niên, trg 68.
– Việt Nam những sự kiện lịch sử từ khởi thủy đến 1858 (tái bản lần thứ nhất), Nxb Giáo dục, trg 367.
– Đỗ Bang, Những khám phá về hoàng đế Quang Trung, Nxb Thuận Hóa, trg 215.
– Hoành Linh, Tầm vóc chiến thắng xuân Kỷ Dậu 1789, Tạp chí Văn Hiến số 1&2 (118&120)-2009, trg 14.
5 – “Tư liệu quý: Phan Khôi viết về chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa” do
Lại Nguyên Ân giới thiệu, đăng trang mạng “Bảo Tàng Nhân Học” của Đại
học Quốc gia, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn.
6 – Thanh thực lục sử liệu chiến tranh Thanh – Tây Sơn (dịch giả Hồ Bạch Thảo, Nxb Hà Nội, trg 74. Tư liệu này dịch giả trích từ Thanh thông giám, quyển 146, trg 4565- 5467.
7 – Thanh thực lục sử liệu chiến tranh Thanh – Tây Sơn, Sđd, trg 79.
8;12 – Đặng Xuân Bảng, Việt sử cương mục tiết yếu (dịch và chú giải Hoàng Văn Lâu), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2000, trg 631, 632.
9 – Chữ Hán này tôi không nhận dạng được nên không phiên âm.
10;13
– Đặng Xuân Bảng, Sđd , trg 639,640 (phần chữ Hán), số trang được tính
từ sau ra trước (sách chỉ có phần dịch nghĩa, không có phiên âm)
No comments:
Post a Comment